Về một kỳ thi không gặp “thiên thời”
Hôm nay, ngày cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức – một kỳ thi được chờ đợi từ rất lâu rồi trong một lộ trình đổi mới giáo dục mà cải tiến thi cử được chọn làm khâu đột phá. Nhưng nhìn lại những ngày qua có thể gọi là cả xã hội đi thi, chúng ta ghi nhận được gì về kỳ thi đổi mới này?
Đợt thi diễn ra đúng vào những ngày nắng nóng
Có thể gọi là một thử thách khốc liệt khi Kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức đã diễn ra đúng những ngày miền Bắc đạt tới đỉnh điểm của nắng nóng chưa từng có trong vòng 50 năm qua. Trong những yếu tố theo quan niệm phương Đông, có thể ví von, kỳ thi đã không gặp được “thiên thời”. Thi cử ở ta vốn xưa nay đã “nóng” giờ “nung” hầm hập thêm trong điều kiện thời tiết 40 độ C khiến sức nóng tăng thêm khủng khiếp trên những dòng tin tức và hình ảnh trên mạng. Và với tư cách một người đọc, thì thấy đau lòng với một kiểu làm báo giật gân ngay trên tâm hồn trong trắng của các thí sinh. Một vài tờ báo mạng gọi những thí sinh bị đình chỉ vì vi phạm qui chế thi là “cái chết”, một vài tờ khác moi móc đủ chuyện của các em mà có những chuyện nó hoàn toàn thuộc về cuộc sống thường ngày (chẳng may nó diễn ra vào đúng dịp thi cử) và nói về nó y như là nếu chẳng may các em đang thi mà bố mẹ bị tai nạn ở nơi nào đó thì cũng thuộc trách nhiệm của kỳ thi vậy.
Trở lại với những gì được gọi là đổi mới của kỳ thi này. Lại phải nhớ lại kiến nghị về việc gộp 2 kỳ thi làm 1 để tránh phiền hà, tốn kém cho xã hội đã được các nhà giáo dục đưa ra từ cách đây hàng chục năm. Để chuẩn bị được đến ngày có một Kỳ thi Quốc gia như hôm nay, chúng ta đã tập dượt nhiều năm liền kì thi đại học 3 chung những năm qua. Trong nhiều năm, khi bàn về một Kỳ thi Quốc gia, đã có rất nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng bỏ thi tốt nghiệp (xét công nhận), chỉ thi tuyển đại học. Lại có ý kiến cho rằng, chỉ thi tốt nghiệp, bỏ thi đại học (chỉ xét tuyển theo nguyện vọng). Cuối cùng, chúng ta chọn cách gộp 2 kỳ thi làm 1, dùng điểm cho cả mục đích, vừa để công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học.
Vậy là mục tiêu lớn nhất mà sau 4 ngày Kỳ thi Quốc gia đạt được là bớt đi được 1 kỳ thi (mà thực ra là bớt được tới mấy đợt đi lại vì mọi năm thi đại học vẫn thi làm mấy đợt và có nhiều em tham dự cả mấy đợt thi). Thứ hai, cũng thấy rất rõ là với việc tổ chức thành nhiều cụm thi trong cả nước, lượng thí sinh đổ về các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để thi đại học như mọi năm đã giảm cơ bản. Một thí sinh muốn thi ở TP. Hồ Chí Minh muốn được xét tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội đã được ngồi làm bài thi ngay tại TP. Hồ Chí Minh mà không cần lặn lội ra Hà Nội. Thứ ba, đề thi của các môn trong những ngày qua về cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu “2 trong 1”, dù có thể còn có ý kiến khác nhau…
Những mục đích lớn nhất của kỳ thi đã đạt được. Vậy nhưng tại sao vẫn có điều gì đó cấn cá về kỳ thi, trong đó, cảm giác lớn nhất là sự nặng nề và áp lực của một kỳ thi dường như đang đè lên cả xã hội những ngày qua. Một cảm giác khó gọi tên mà buộc chúng ta phải tìm ra để tiếp tục đổi mới thi cử.
Đó phải chăng là bởi năm nay “không may” kì thi rơi vào những ngày nóng nhất nên khiến việc thi cử trở nên cực kỳ khó nhọc cho rất nhiều người, nhiều lực lượng trong xã hội? Nhiều ý kiến đang đề nghị thay đổi thời gian diễn ra Kỳ thi Quốc gia, liệu có nên nhất thiết phải rơi vào tháng 7 nắng nóng không hay có thể học xong rồi thi ngay vào cuối tháng 5 đầu tháng 6.
Công bằng mà nói một hành trình dài dằng dặc tới 5 ngày (kể cả ngày thí sinh tập trung) và diễn ra ở tất cả các địa phương khiến toàn xã hội như cùng ngồi trên chảo lửa nên người ta cảm giác rằng tính chất gộp chỉ là bớt 1 lần tổ chức thi chứ thời gian thi và áp lực thi thì chưa đổi mới. Trong khi trên thực tế không phải thí sinh nào cũng phải có mặt đủ cả 5 ngày (vì chỉ có 4 môn bắt buộc).
Tính chất của kỳ thi Quốc gia là quan trọng, là phải thực hiện nghiêm túc, an toàn. Nhưng có cách nào để cả xã hội đừng làm nó nghiêm trọng hơn, áp lực hơn như hiện nay không? Có cách gì để giữa trời nóng hầm hập, thí sinh không bị nung trong những phòng thi? Hãy coi đó là kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng với những em chỉ với mục tiêu là để xét tốt nghiệp. Với các em để xét điểm vào đại học, nó cũng giống như một cố gắng hơn để thi thêm một vài môn nữa. Chính cách tổ chức và một số việc ở bên ngoài phòng thi cộng với dư luận trên mạng xã hội đã tạo cho kỳ thi một áp lực không đáng có. Như dù số lượng thí sinh tập trung tại 1 điểm hoặc 1 thành phố đã giảm về cơ bản (ví dụ Hà Nội có rất nhiều cụm thi rải rác khắp các quận huyện do Sở chủ trì và nhiều cụm thi của các trường đại học) thì chúng ta vẫn đổ ra đường một lượng thanh niên tình nguyện quá đông và làm những việc rất không nên như giữa trời nắng gay gắt để các em nắm tay nhau đứng giữa đường làm dải phân cách mềm. Hay việc vi phạm qui chế thi (đã được phổ biến nhiều lần) thì đương nhiên bị phạt nhưng mạng xã hội ào ào bình phẩm trách cứ theo kiểu sao không nhân đạo, nhân văn (để rồi đến lúc nào đó lại sôi sục rằng sao không phạt nghiêm).
Dù thế nào cũng phải công nhận tiến được tới một kỳ thi chung THPT Quốc gia là một đổi mới về thi cử. Nhưng qua kỳ thi lần đầu tiên, việc tiếp tục nghiên cứu và đổi mới hơn nữa đang phải đặt ra để đổi mới phải thực sự “căn bản và toàn diện”. Rồi đây, ngành giáo dục chắc sẽ có tổng kết. Nếu kết quả của một kỳ thi đổi mới chỉ tiết kiệm được về tiền bạc, còn công sức và áp lực thi cử chưa giảm đi đáng kể thì chưa đạt tới mục tiêu của đổi mới.