Từ bài dân ca “Tăng A Tim” đến ca khúc Chiếc khăn Piêu

Bùi Anh Phương 04/07/2015 16:00

Vào ngày 10-7 tới đây, ca sĩ Tùng Dương sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Festival nhạc Jazz châu Á tổ chức tại Chiangmai (Thái Lan) với sự góp mặt của hơn 10 quốc gia. Đặc biệt, tại đây Tùng Dương sẽ biểu diễn ca khúc “Chiếc khăn Piêu” - một sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho dựa trên bài dân ca Khơ Mú.

Chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái

Đạo diễn - biên đạo múa Vũ Toản (Đoàn Ca múa Quân đội Tổng cục Chính trị) trong quá trình đi nghiên cứu đã sưu tầm được bài dân ca “Tăng A Tim” của dân tộc Xá (nay là Khơ Mú). Khi đó, ông đã trao cho người bạn của mình, là nhạc sĩ Doãn Nho. Tiếp xúc với bài dân ca này đã thôi thúc nhạc sĩ Doãn Nho viết ca khúc “Chiếc khăn Piêu”.
“Thành công của bài hát phải nói có cả công sức của người sưu tầm - bạn Vũ Toản của tôi”, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết. Theo nhạc sĩ, ông đã viết bài hát trong một buổi chiều của năm 1956, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 2 năm, khi đó nhạc sĩ mới 24 tuổi. Ngay từ khi bắt gặp giai điệu bài dân ca “Tăng A Tin”, Doãn Nho đã say mê giai điệu này để từ đó tạo nên giai điệu trẻ trung sôi động của “Chiếc khăn Piêu” tươi trẻ đến tận ngày nay. Ban đầu, nhạc sĩ đặt tên ca khúc là “Chiếc khăn rơi”. Khi được hỏi, “ông đã phát triển, khai thác bao nhiêu phần trăm chất dân ca của dân tộc Khơ Mú trong bài này?”, nhạc sĩ Doãn Nho không đắn đo: “50%”. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài dân ca “Tăng A Tim” có giai điệu rộn ràng với nội dung: “Cái váy đẹp đánh rơi, gió bay đi, anh em nhặt được gửi cho nhau… Mặc cái váy cũ mà đi làm… Cái khăn đẹp/ Dây lưng đẹp… đánh rơi, anh em nhặt được…”.
Qua bài dân ca “Tăng A Tim”, hình ảnh về chiếc khăn của những cô gái vùng cao Tây Bắc hiện lên rõ nét trong tâm trí của nhạc sĩ Doãn Nho lúc ấy. Rất chân thành, nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự: “Thực ra lúc đó, mình nghĩ đến chiếc khăn thì nghĩ ngay tới hình ảnh của khăn piêu. Sau này mới biết khăn Piêu là của dân tộc Thái. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần nói về hình ảnh khăn piêu thì những người con gái Tây Bắc đã hiện lên rồi”.
Nhạc sĩ cho biết, nội dung bài “Chiếc khăn Piêu” nói rất chân thật tấm lòng của mình, nhất là qua câu hát: “Nghe con chim cúc cu, kìa nó hót lên một câu rằng: Có một nàng ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng Chiếc khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng để gió cuốn bay về đây vương trên cây... Á ơi có phải thắm thiết nhau chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau thời tôi chờ. Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời, nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người. Atri ơi...”

Bà con dân tộc Thái (Sơn La) thể hiện tình cảm yêu quý với ca sĩ Tùng Dương


Người đầu tiên thể hiện “Chiếc khăn Piêu” là nghệ sĩ ưu tú Trần Chất, ông đã biểu diễn thành công cùng cây đàn ác-coóc-đê-ông của nghệ sĩ ưu tú Huy Luân và tạo được một dấu son trong lòng công chúng. Sau đó, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công bài hát này: Nghệ sĩ Nhân dân Qúy Dương, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Chè và đặc biệt là danh ca Kiều Hưng đã gắn bó tên tuổi mình với ca khúc này. Những năm 80-90 của thế kỷ trước người nghe say đắm với giọng nam ngọt ngào ấm áp đượm chất dân ca của nghệ sĩ Kiều Hưng trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở bản thu này, Kiều Hưng hát nguyên bản theo ý tưởng của nhạc sĩ Doãn Nho, đoạn lời “Astri ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này…” trầm hẳn xuống để sau đó vút lên cao, tạo ra độ rộng trong âm hưởng cho bài hát. Nếu Kiều Hưng để lại trong lòng người nghe dấu ấn đẹp về một giọng ca có “thương hiệu” thì những năm gần đây nữ ca sĩ Anh Thơ lại có cách “biến hóa” riêng để được khán giả đón nhận khi thể hiện ca khúc này. Cho đến năm 2012, khi ca sĩ Tùng Dương biểu diễn “Chiếc khăn Piêu” trên sân khấu Bài hát yêu thích thì thêm một lần nữa ca khúc này đã được khoác một bộ cánh hoàn toàn mới. Nhận xét về cách xử lý của Tùng Dương, nhạc sĩ Doãn Nho từng nói: “Ở bản phối này Tùng Dương không hát một đoạn trầm, quãng tám, khác so với một số ca sĩ khác. Đứng ở góc độ nào đó thì thấy mất đi một quãng trầm, mầu sắc, độ rộng của âm hưởng đó bị thu hẹp lại nhưng bù lại cách phiêu, nhả chữ cùng với trang phục, ánh sáng... của Tùng Dương rất độc đáo. Vì vậy, dù mất đi một đoạn trầm vẫn có sức hút của nó và tôi rất tôn trọng Tùng Dương. Bên cạnh đó có những cách đảo nhịp do Tùng Dương sáng tác ra, tạo ra nghịch phách, rất lãng mạn, bay bổng, rất hợp với thẩm mĩ giới trẻ. Tôi hoan nghênh sự sáng tạo tìm tòi khi thể hiện ca khúc của các ca sĩ”.
Sau khi đoạt giải cao nhất ở Bài hát yêu thích 2012, sắp tới đây, Tùng Dương sẽ mang “Chiếc khăn Piêu” biểu diễn tại Festival nhạc Jazz châu Á, thêm một lần nữa anh sẽ biến hóa và thổi vào tác phẩm bằng một cách xử lý tinh tế, mang đậm phong cách nhạc Jazz.
Còn nhớ, vào tháng 2-2013, sau khi nhận giải thưởng Bài hát yêu thích, ca sĩ Tùng Dương đã tìm về xứ sở của “Chiếc khăn Piêu” - vùng đất Sơn La. Đoạn đường từ TP. Sơn La về trụ sở UBND xã Nặm Păm dài chừng 60 km, phải đi qua rất nhiều ổ gà, ổ voi sau đợt mưa lũ. Tại Nặm Păm và Ngọc Chiến - 2 xã nghèo nhất của huyện Mường La (Sơn La), Tùng Dương đã được tiếp xúc với nhiều bà con dân tộc. Tùng Dương đã trích tiền giải thưởng nhận được để mua 310 suất quà và trao tận tay đến với bà con. Đây là một chuyến đi rất ý nghĩa vì anh đã được đặt chân đến chính quê hương của “Chiếc khăn Piêu”.

Theo một cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết chiếc khăn Piêu là thể hiện cho người phụ nữ Thái đen: Khăn Piêu là sản phẩm đỉnh cao trong trình độ thêu thùa của người Thái. Khăn Piêu thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ của con gái Thái. Ngoài ra thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái trên chiếc khăn Piêu. Những họa tiết trên chiếc khăn Piêu là hình những con vật gần gũi trong cuộc sống, hiền lành như con hươu, con bướm, con chim, con voi, thậm trí còn là con hổ và hình mặt trăng và những cây cối như cây dương xỉ. Những hình này còn xuất hiện trê đường diềm trong họa tiết trang phục cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người Thái. Hình ảnh đan lát của người Thái cũng xuất hiện trong chiếc khăn Piêu.
Với người phụ nữ Thái đen ai cũng biết làm khăn Piêu. Nếu một cô gái không biết làm thì bị coi là lười và ít được các chàng trai để ý, thậm chí họ không muốn lấy một người vợ như vậy. Khăn Piêu không chỉ ấn tượng về màu sắc sặc sỡ với những đường nét tinh xảo mà còn làm tôn vinh vẻ đẹp trên khuôn mặt của người phụ nữ. Khăn Piêu còn là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái.
Chiếc khăn Piêu của người Thái có vị trí rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của họ: Khi đội khăn Piêu thể hiện cho thần linh che chở trên đầu người ta. Khăn Piêu thể hiện cho sản phẩm của vật chất và tinh thần trong cộng đồng người Thái. Nó là vật biếu tặng linh thiêng để bảo vệ che chở cho linh hồn của cô gái đấy. Họ cho rằng trên đầu của con người có vị thần cai quản tất cả những bộ phận của con người chúng ta. Thành ra khăn Piêu là nơi bảo vệ cho Hua văn. Hua là đầu, văn là linh hồn. Chính vì thế người Thái rất sợ bị gõ vào đầu.

Bùi Anh Phương