Lời giải cho bài toán tinh giản biên chế
Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh cắt giảm hàng ngàn biên chế, đồng thời cắt chi trả phụ cấp cho hàng chục ngàn người hoạt động không chuyên trách… Nhờ đó, không chỉ tinh lọc được bộ máy các cấp, mà còn tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm 300 tỉ đồng. Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Ninh - bà Đỗ Thị Hoàng đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết xung quanh việc thực hiện Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh.
Hoạt động thường ngày tại Trung tâm hành chính công Quảng Ninh
PV: Nhiều người biết đến Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là đề án về tinh giản biên chế, cách hiểu này có đúng không, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Nói Đề án 25 của Quảng Ninh là đề án tinh giản biên chế thì chưa đầy đủ. Tên đầy đủ của Đề án là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức Đảng và tinh giản biên chế. Như vậy, nhiệm vụ cuối cùng của Đề án mới là sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế. Điều đó có nghĩa, mục đích của tinh giản biên chế chỉ là một mục đích trong tổng thể đó thôi. Tuy nhiên, rất nhiều người biết đến Đề án này như là đề án về tinh giản biên chế, bởi đây là vấn đề bức xúc. Đúng là có sự cồng kềnh trong bộ máy các cơ quan công quyền, rất cần lời giải cho bài toán tinh giản biên chế mà nhiều năm qua chúng ta chưa làm được. Nhưng để thực hiện được điều này thì không thể cắt giảm một cách cơ học mà phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực của các tổ chức Đảng, các cơ quan công quyền qua đó mới có thể sắp xếp lại bộ máy gọn mà tinh.
Thưa bà, cắt giảm cả ngàn biên chế không dễ chút nào vì nó liên quan đến số phận của mỗi con người, mỗi gia đình. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm khiến bộ máy tinh gọn mà không gây nhiều “tâm tư” như nhiều người vẫn lo ngại?
- Muốn tinh giản bất kỳ một vị trí nào cũng phải tính toán vì sao giảm, giảm sẽ ra sao và không phải áp một mẫu số chung cho tất cả các cấp mà phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Nhìn chung, tinh giản là cả một quá trình khoa học. Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, sau khi rà soát, xem xét tổng thể, chúng tôi thấy rằng, có một số hệ thống tiêu chí của mình (tiêu chí trường chuẩn, lớp chuẩn) nếu quy định theo các tiêu chí này thì việc đầu tư về cơ sở, vật chất sẽ dư thừa so với nhu cầu sử dụng. Nếu đầu tư như nhau, thì rất lãng phí và manh mún, vì đầu tư thì lớn nhưng công năng sử dụng không hết.
Chẳng hạn, quy định khoảng cách giữa các trường ở nông thôn 1 km, đô thị nửa km, miền núi là 2km phải có trường là không còn phù hợp nữa. Giờ đã khác trước, hạ tầng đã tốt lên, đời sống của dân tốt lên, nhu cầu học tập cũng khác xưa nhưng mình vẫn quy định như vậy là không thực tế. Cho nên Quảng Ninh sắp xếp lại các trường, điểm trường làm sao cho người dân, cho các cháu được tiếp cận với môi trường đầy đủ, toàn diện hơn, có các thầy cô giỏi, có bạn bè đông, có môi trường đầy đủ về trang thiết bị. Vì vậy, thay vì 5, 3 cháu nhưng lại ở hai cấp học trong một lớp, mà cách đó có khi chỉ 900m có một trường khang trang, giáo viên chất lượng cao, sao không cho các cháu đến đó học. Quảng Ninh đã tính toán, hỗ trợ phương tiện đi lại cho các cháu để giảm trường, lớp tại các điểm trường này. Trường giảm, tất nhiên biên chế cũng được sắp xếp lại hợp lý.
Đối với y tế cũng vậy, quy định trong cấp huyện có cả bệnh viện, trung tâm y tế, phòng y tế, trạm y tế. Trạm y tế ở các vùng sâu, vùng xa đã đành, nhưng có cả trạm y tế cạnh các bệnh viện trung tâm, nên nhu cầu khám chữa bệnh của dân là không có. Cho nên mình chỉ nên duy trì mô hình trạm y tế ở khu vực trung tâm để dập dịch thôi, còn đầu tư các trang thiết bị khám chữa bệnh ở đấy lãng phí. Quảng Ninh đã sắp xếp, cơ cấu lại kể cả cơ sở vật chất, đội ngũ ở đấy. Đội ngũ khỏe đưa về các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Yếu hơn một chút đào tạo lại cho cứng chứ không tuyển mới.
Cách chúng tôi giảm biên chế đầu tiên là không tuyển mới, không thực hiện hợp đồng lao động mới. Thứ hai , cơ cấu lại đội ngũ, bỏ ngân sách của tỉnh để đào tạo lại cho lực lượng đang trong biên chế, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thứ ba cơ cấu lại ngành nghề nào thật cần mới cho tuyển và tuyển theo cơ chế, tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không tuyển công chức viên chức bình thường.
Quảng Ninh cũng đang xây dựng cơ chế tuyển dụng trong khối sự nghiệp theo hợp đồng, nếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì kéo dài thời gian làm việc. Như vậy có thể loại bỏ được người không đáp ứng được yêu cầu chứ không để tồn tại công chức, viên chức “cắp ô” trong bộ máy mà lại nâng cao được chất lượng đội ngũ. Hiệu quả của việc nâng cao chất lượng đội ngũ sẽ khiến việc chạy nhanh và đơn vị không xin thêm biên chế.
Thưa bà, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đi kèm với tiền lương, thưởng xứng đáng để giữ chân người tài?
- Đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đội ngũ, chúng tôi sẽ có cơ chế về tiền lương, thưởng theo cách khuyến khích sự sáng tạo. Tức là ngoài lương cơ bản theo quy định của Nhà nước, chúng tôi xây dựng các cơ chế tự chủ để có phần thưởng cho người sáng tạo, đóng góp cao hơn. Theo đó, cũng thay đổi luôn cách phân bổ ngân sách. Thay vì phân bổ ngân sách đồng đều như hiện nay sẽ phân bổ ngân sách theo sản phẩm mà đơn vị ấy đóng góp. Các tổ chức hội cũng như vậy, sẽ trả tiền theo đặt hàng. Nếu làm tốt nhận khoản tiền tương xứng chứ không cào bằng.
Như vậy, các đơn vị, kể cả đơn vị công, hoặc anh phải giải quyết tốt các vấn đề do nhà nước giao cho, nếu không phải tăng tính tự chủ lên. Tinh giản biên chế không phải một lúc làm ngay lập tức theo các cách khoán, giảm hợp đồng, không tuyển mới, thay chế độ tuyển thông thường bằng chất lượng cao... Phải có lời giải rất căn cơ cho bài toán giảm biên chế mới giúp cho biên chế tinh gọn nhưng hiệu quả và tiết kiệm được khoản chi thường xuyên từ ngân sách.
Trân trọng cảm ơn bà!
Lục Bình(Thực hiện)