Xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm: Những tín hiệu khả quan

Khanh Lê 05/07/2015 10:14

Theo Bộ LĐTB&XH trong 6 tháng đầu năm, số lượng xuất khẩu lao động tăng mạnh, với 56.173 lao động đạt 59,13% kế hoạch năm 2015. Đây là những tín hiệu khả quan để Việt Nam tiếp tục cán đích đưa gần 100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2015.

Xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm: Những tín hiệu khả quan

6 tháng đầu năm xuất khẩu lao động đạt nhiều kết quả khả quan

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 56.173 lao động (16.942 lao động nữ) đạt 59,13% kế hoạch năm 2015 và bằng 101,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, riêng trong tháng 6 số lượng lao động đi xuất khẩu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với 11.777 lao động (3.619 lao động nữ). Trong đó, Đài Loan: 7.505 lao động, Nhật Bản: 2.324 lao động, Hàn Quốc: 654 lao động Malaysia: 582 lao động, Ả rập - Xê út: 377 lao động.
Đánh giá của Bộ LĐTB&XH, thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp mạnh tay nhằm đẩy lùi tình trạng lao động bất hợp pháp. Điều này sẽ khiến thị trường lao động được minh bạch hơn và công tác quản lý người lao động của nước ta ở nước ngoài cũng được chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó chính quyền sở tại hiện nay cũng đã có nhiều chính sách hấp dẫn để giữ chân người lao động. Ví dụ Đài Loan sẽ tăng mức lương cơ bản và điều chỉnh mức tham gia bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế của người lao động, Thái Lan cấp phép cho lao động Việt Nam nhằm hạn chế lao động “chui”.

Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) đã chính thức được khơi thông, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký gia hạn bản Thỏa thuận đặc biệt (MOU) vào ngày 10-4-2015. Bản MOU được ký kết đúng vào thời điểm phía Hàn Quốc giới thiệu lao động đợt 2 năm 2015 cho các chủ sử dụng lao động lựa chọn. Được biết, từ nay đến cuối năm 2015, Hàn Quốc sẽ dành 36.000 chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc theo chương trình EPS, trong đó đợt này sẽ có khoảng 13.000 người lao động được tuyển dụng.

Với 10.000 chỉ tiêu dành riêng để tiếp nhận lại những người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn, thì việc ký gia hạn bản MOU đặc biệt lần này đã tạo nhiều cơ hội cho những người lao động sẽ hết hạn hợp đồng lao động năm 2015 được trở lại Hàn Quốc làm việc (khoảng trên 7.500 người).

Cùng với thị trường Hàn Quốc, mới đây nhất, Bộ LĐTB&XH cũng ký kết với Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực chăm sóc người già từ năm 2012. Hiện đã có 100 ứng viên được đưa sang CHLB Đức học tập và sẽ tốt nghiệp để đi làm việc trong tháng 10 năm 2015, đồng thời có 125 ứng viên khác đã được tuyển chọn, đang học tiếng Đức tại Việt Nam để đưa sang học tập chuyên môn tại CHLB Đức vào cuối năm nay.

Xuất khẩu lao động được xem là lựa chọn của nhiều địa phương để tiến tới giảm nghèo bền vững trong cả nước ta như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Do đó, để thị trường lao động phát triển toàn diện trong 6 tháng cuối năm, theo các chuyên gia cần hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực toàn diện 3 góc độ: Ngành đào tạo, ngành kinh tế và việc làm (gắn với nghề nghiệp). Đặc biệt, cần có nhiều biện pháp hơn nữa trong việc mở rộng tìm kiếm thị trường cũng như đào tạo tay nghề và vốn ngoại ngữ để lao động nước ta có thể tiếp cận thêm các thị trường khó tính.

Khanh Lê