Hy Lạp trước giờ G: Cử tri nghiêng về “có”
Các cuộc thăm dò lá phiếu ở Hy Lạp trong những giờ phút cuối cùng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày hôm nay, 5-7, đều cho thấy số người ủng hộ chấp nhận các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ để đổi lấy gói hỗ trợ nhỉnh hơn so với những người nói “không”.
Các cuộc thăm dò trong ngày 4-7 cho thấy số cử tri nói “có” vẫn nhỉnh hơn
(Nguồn: Guardian)
Cho dù như vậy, trong hôm 4-7, chính phủ Hy Lạp vẫn ra sức thúc giục người dân trong nước bỏ phiếu bác bỏ các đề xuất của nhóm chủ nợ. Tình hình ở Athens đã khiến toàn bộ phần còn lại của châu Âu lo ngại rằng Hy Lạp sẽ sớm phải dứt áo ra đi khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, với kết quả thăm dò tổ chức cùng ngày, khó có thể nói trước được điều gì.
Một số cuộc thăm dò đã được thực hiện ở Hy Lạp hôm 4-7, tức chỉ 1 ngày trước khi trưng cầu dân ý diễn ra, để xem xét dự định của họ trước sự kiện lịch sử này. Trong khi đó, nhiều diễn biến xảy ra trong hôm thứ Bảy cũng khiến dư luận quốc tế xáo trộn giữa các luồng thông tin; và nổi bật nhất là việc chính phủ Hy Lạp chấp nhận một đề xuất của chủ nợ vào phút chót nhưng lại vẫn khuyến khích người dân bỏ phiếu nói “không”. Ngay cả ý định của châu Âu trong việc từ bỏ hay níu kéo Hy Lạp trong khối Eurozone cũng không rõ ràng.
Giải thích về tình trạng ở Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố rằng khoản nợ của Hy Lạp là không có gì chống đỡ nổi trong hoàn cảnh hiện nay, chính vì vậy mà đảng cầm quyền Syriza từ lâu đã phải kêu gọi các chủ nợ giảm khoản nợ khổng lồ này với yêu cầu rằng coi nó là một phần trong chiến dịch giải cứu tài chính mới. Tuy nhiên Liên minh châu Âu (EU) lại không hứng thú gì với việc giảm nợ cho Hy Lạp. Điều này cho thấy dù cho có trưng cầu dân ý hay không thì Athens vẫn sẽ ngập đầu trong khoản nợ.
Ông Philippe Ledent, nhà kinh tế kỳ cựu làm việc cho Ngân hàng ING, nhận định rằng nếu phe nói “không” chiến thắng, sẽ cần phải tái cấu trúc lại khoản nợ cho Hy Lạp. Đây cũng là thời cơ cho các đảng phái chính trị có tư tưởng cực đoan trỗi dậy ở nhiều quốc gia khác đưa ra những đòi hỏi tương tự nếu cũng vướng vào tình trạng như Hy Lạp bây giờ. Nói cách khác, Hy Lạp sẽ trở thành một tiền đề cho các quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi Hy Lạp bắt đầu ngấm dần tình trạng cạn kiệt tiền do Chính phủ áp đặt kiểm soát vốn, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng đó sẽ là động lực để khiến người dân nước này chuyển sang nói “có” với các yêu cầu của chủ nợ quốc tế.
Ông Manfre Weber, Chủ tịch nhóm quan sát viên EPP thuộc Nghị viện châu Âu, phân tích: “Người dân Hy Lạp hàng ngày đều thấy rõ rằng làm theo cách của ông Tsipras sẽ có hậu quả thế nào. Điều đó có nghĩa là các bạn không thể rút tiền trong ngân hàng nữa, các ngân hàng đóng cửa và nền kinh tế lâm vào tình trạng nguy hiểm. Đó đều là do Chính phủ Hy Lạp”.
Hiện nay, các ngân hàng ở Hy Lạp chỉ còn dự trữ khoảng 1 tỷ Euro (1,11 tỷ USD), và khả năng chi trả của họ sau cuộc trưng cầu dân ý chỉ có thể phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bởi vậy nên đóng vai trò quan trọng nhất hiện nay chính là quyết định của ECB về việc liệu có tăng nguồn vốn khẩn cấp cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp hay không.
Đây là lý do vì sao mà giới chức ở Brussels tìm mọi cách để thúc giục người dân Hy Lạp bỏ phiếu bầu chấp thuận các đề xuất mà chủ nợ đưa ra cho nước này. Họ xem đây là lựa chọn cuối cùng để có thể giữ Hy Lạp lại trong khối đồng tiền chung. Nhưng dù cho cuộc trưng cầu dân ý có đạt kết quả ra sao, thì giới chức Brussels cũng không thể đưa ra các biện pháp trợ giúp Athens trong một sớm một chiều được và nước này vẫn sẽ chìm trong cơn ác mộng không hồi kết.