Khi chiếu xạ… thiếu vốn

Đơn Thương 07/07/2015 15:18

Chiếu xạ là một trong những biện pháp để đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua vì thiếu vốn đầu tư nâng cấp nên đã ảnh hưởng rất lớn trong chi phí chiếu xạ cho hoa quả, đặc biệt hoa quả xuất khẩu. Cũng chính vì vốn đầu tư nên hàng chục tấn vải đi Mỹ, Úc của Việt Nam vừa qua đã bị đội giá.

Chuẩn bị hoa quả để đưa vào chiếu xạ (Ảnh: Đức Tuyền)

Hoạt động chiếu xạ hiện mới được công nhận và thực hiện ở 2 cơ sở trong miền Nam. Để giảm bớt gánh nặng chi phí, vừa qua, chúng ta đã đầu tư 30 tỷ đồng để nâng cấp Cơ sở chiếu xạ đầu tiên ở miền Bắc. Tuy nhiên, do không được cấp đủ vốn nên một số công đoạn của quy trình chiếu xạ này đã không đáp ứng nhu cầu, gây nên hiện tượng đội giá mà việc phải kể đến là hàng chục tấn vải xuất đi Mĩ và Úc vừa qua.

Theo tính toán, cùng với việc đầu tư, nâng cấp này, Cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc - Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KH&CN) sẽ đảm đương thêm trách nhiệm làm “bà đỡ” cho hoa quả Việt đủ điều kiện, đặc biệt là xuất ngoại theo tiêu chuẩn của nước ngoài. Với kinh phí đầu tư, nâng cấp trên, khi vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường khó tính như Australia, Mỹ...

Theo ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thì: Tổng nguồn vốn để mua sắm thiết bị, nâng cấp nguồn, dây chuyền và sửa chữa, xây dựng cho khu chiếu xạ này vào khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay Trung tâm mới nhận được 21 tỷ, số tiền này đã đầu tư cho phần thiết bị. Vì thiếu tiền nên phần xây dựng và sửa chữa kho hiện đang chờ vốn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát kiểm tra quy trình chiếu xạ quả vải

Cũng theo ông Đặng Quang Thiệu, để được phía Mỹ chứng nhận và cấp giấy phép chiếu xạ, cùng với việc đảm bảo dây chuyền chiếu xạ, Trung tâm phải đảm bảo các điều kiện để hàng hóa chiếu xạ không bị tái nhiễm. Vì thế, cần phải có 2 kho lạnh riêng biệt để cách ly hàng hóa đầu vào và hàng hóa đầu ra. Hiện nay, kho lạnh đầu vào đang thiếu, Trung tâm đang dự kiến xây dựng kho mới trên diện tích 700-800m2, trong đó có gần 200m2 kho lạnh và 50m2 phòng dành để kiểm dịch, còn lại sẽ dành cho khu vực đóng gói. Với kho lạnh đầu ra cần 200m2, Trung tâm sẽ cải tạo trên cơ sở kho cũ.

Tuy nhiên, được biết, đến nay Bộ KHCN vẫn chưa bố trí kinh phí cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xây dựng, sửa chữa kho lạnh nên việc triển khai trên thực tế đang bị đánh giá là chậm. “Chúng tôi chỉ muốn Bộ NN&PTNT và Bộ KHCN khẩn trương bố trí vốn, dù ít cũng được để chúng tôi vượt qua các khâu phê duyệt của Nhà nước” – ông Đặng Quang Thiều kiến nghị. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngay trong tuần tới, sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KHCN để có giải pháp. Vấn đề hiện nay là nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể đáp ứng được yêu cầu chiếu xạ ở quy mô lớn hơn. “Việc đó chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KHCN và các bộ có liên quan để xử lý, hỗ trợ Trung tâm ngay trong năm 2015”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay, ở miền Nam có 2 cơ sở chiếu xạ được công nhận. Trong khi đó, nếu vận chuyển nông sản từ Bắc vào Nam khiến chất lượng bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn. Vì thế, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ KHCN giải quyết sớm nguồn vốn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.

Hiện nay, ngoài chiếu xạ, chúng ta còn có công nghệ CAS (Cells Alive System) - bảo quản thực phẩm đông lạnh hiện đại của tập đoàn ABI (Nhật Bản), do Dự án bảo quản hoa quả công nghệ cao thuộc Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện. Cùng chiếu xạ để thúc đẩy xuất khẩu hoa quả tươi, công nghệ CAS có thế mạnh bảo quản hoa quả, tôm cá tươi ngon mà thời gian bảo quản kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chiếu xạ nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, còn bảo quản bằng công nghệ CAS chủ yếu để duy trì giá trị của các loại sản phẩm, tuy nhiên công nghệ cũng góp phần hạn chế hoạt động của vi sinh vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng hai công nghệ này đáp ứng hai mục tiêu khác nhau, vì thế chúng ta cần duy trì phát triển cả 2 và áp dụng trên diện rộng để nông sản nước ta có thể vươn tới thị trường xa, cạnh tranh được với nông sản các nước khác trên thị trường thế giới.

“Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” đã phát huy hiệu quả

Tại Diễn đàn “Tăng trưởng châu Á” vừa qua, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonexia, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, Giám đốc điều hành các công ty đa quốc gia…, kết quả 5 năm thực hiện sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” mà Việt Nam đã triển khai từ năm 2010 đã gây được nhiều sự chú ý. Thực hiện sáng kiến này, Việt Nam đã có 10.000 nông dân tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn bền vững cho một số nông sản với sự phối hợp cùng các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Netstle, Metro Cash and Cary, Syngenta… Sáng kiến này đã đạt kết quả tốt và trở thành mô hình thành công nhất trong sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn kinh tế Thế giới tại châu Á. Với những thành công này nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường quốc tế thông qua mạng lưới của các công ty đa quốc gia.

Đức Tuyền

Đơn Thương