Trị bệnh “ăn xổi ở thì”
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tự hào đất nước hình chữ S có nhiều danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, tự hào vì có nhiều di tích văn hóa được thế giới công nhận, bạn bè các nước thường nhận xét con người Việt Nam thân thiện, mến khách… Đó là những ưu thế tạo cơ sở cho chiến lược phát triển mạnh ngành du lịch thời hội nhập. Thế nhưng, với kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì” ở nhiều nơi, đã và đang gây ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Du khách e dè tham quan, thưởng ngoạn vì văn hóa ứng xử tệ bạc với thượng đế
Ảnh: S. XANH
Kết quả, sau nhiều năm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, ngành du lịch Việt Nam đã đạt những con số ấn tượng cùng với các ngành khác thúc đẩy kinh tế chung của cả nước tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngành du lịch - “ngành công nghiệp không khói” đang dần dần thể hiện sự tụt dốc. Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 – 2015 giảm 1,9% so với cùng kỳ và giảm 8,2% so với tháng 5 – 2015. Trong đó, khách đến qua đường hàng không giảm 8,6%, đường bộ giảm 8,9%.
Lý giải về lượng khách du lịch giảm, nhiều ý kiến khẳng định, do những bất cập trong việc cấp visa, kinh tế còn khó khăn nên có thể du khách vẫn áp dụng hình thức “thắt lưng, buộc bụng”. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế hoạt động của ngành du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bắt đúng mạch, đoán đúng bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra 6 điểm nổi bật trong ngành du lịch và cũng chính là 6 nỗi sợ của du khách như: chặt chém, làm giá, ăn xin, đeo bám khách, vệ sinh môi trường kém. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả những hành động trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Thực tế cho thấy, một trong 6 nỗi sợ trên đã vô tình đeo bám dai dẳng và tạo hình ảnh tiêu cực trong tâm trí du khách khi đặt chân đến Việt Nam. Thế mới có chuyện một khách du lịch từng đến Việt Nam chia sẻ trên tờ báo điện tử hàng đầu của Mỹ Hufington Post: “ Đến Đông Nam Á, mọi người thường hỏi tôi rằng, “Bạn sẽ đi đâu?” và tôi nói, “Đi khắp mọi nơi… ngoại trừ Việt Nam”. Theo vị khách du lịch này, anh cảm thấy mình bị đối xử tệ trong các chuyến du lịch ở Hạ Long, Hội An, Nha Trang… “Không ai muốn quay trở về một nơi mà họ cảm thấy bị đối xử kém. Khi tôi ở Việt Nam tôi liên tục thấy mệt mỏi, bị lừa gạt, tôi cảm thấy mình không được chào đón” - vị này bày tỏ. Nói như tâm sự của du khách kể trên thì Việt Nam không để lại ấn tượng đẹp nào cho họ ngoài những nhếch nhác trong cách đối xử với du khách. Điều này càng băn khoăn hơn khi người dân Việt Nam từng được bạn bè các nước nhận xét là những người thân thiện, mến khách nhưng cách thức kinh doanh của dịch vụ du lịch rất nhiều nơi lại hoàn toàn chưa chứng minh được điều đó.
Không chỉ có du khách nước ngoài bị ám ảnh sau những chuyến tham quan tại Việt Nam mà bản thân khách nội địa cũng dễ gặp bức xúc. Thế mới có chuyện mỗi lần đi chơi xa ở đâu đó là một lần du khách phải tìm hiểu “thủ thuật chặt chém” ở khu đó bằng nhiều hình thức khác nhau. Nghĩa là trong suy nghĩ của du khách, luôn phải thường trực cảnh giác và thận trọng trong mọi giao dịch thương mại ở đất du lịch. Dễ thấy tình trạng kinh doanh dịch vụ du lịch lợi dụng lúc mùa vụ để đẩy giá phòng, giá vận chuyển, giá dịch vụ ăn uống lên gấp đôi gấp ba. Với tâm lý du khách vãng lai “chỉ đến 1 lần” nên không ít thủ thuật “chặt chém” được tận dụng triệt để. Một dẫn chứng mới nhất, những ngày qua dư luận xôn xao và bất bình trước tình trạng con gà có giá 600 ngàn đồng, hai bát phở bị tính giá 800 ngàn đồng, giá 1 kg tôm sú bị đẩy lên ngất ngưởng 1,4 triệu đồng… Thực ra những con số biết nói trên hoàn toàn không mới. Bởi vì, từ lâu nạn “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám khách trở thành chuyện thường ngày ở các điểm du lịch, nhất là vào dịp cao điểm của lễ hội, Tết khi lượng khách du lịch tăng cao. Muôn hình vạn trạng cách thức “chặt chém” được giới kinh doanh du lịch đưa ra nhằm móc “hầu bao” du khách.
Vấn nạn “ăn xổi ở thì” trong kinh doanh du lịch dẫn đến nạn “chặt chém”, chụp giật từ lâu đã bị dư luận xã hội bất bình, lên án, nhưng đến nay vẫn tiếp tục là căn bệnh gây ảnh hưởng đến ngành du lịch. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nghe nói các tỉnh – thành liên tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch thông qua các chương trình xúc tiến chứ không có kế hoạch xây dựng du lịch thành một chuỗi chuyên nghiệp, cho nên buôn bán như thế nào là chuyện của người kinh doanh và du khách. Chính vì không xây dựng thương hiệu du lịch theo chuỗi nên mới có chuyện, từ hàng rong đến xe ôm, xích lô, quán ăn, nhà hàng… Ai ai cũng có thể tham gia làm dịch vụ du lịch với nhiều hình thức, lại thiếu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng nên dễ trở thành môi trường kinh doanh nhiễu loạn thiếu chuyên nghiệp, thậm chí tiêu cực.
Không phủ nhận những cố gắng của ngành du lịch, đặc biệt là những chương trình quảng bá hình ảnh du lịch đầy ấn tượng khiến du khách biết đến Việt Nam nhiều hơn. Song điều bất cập đang diễn ra, việc ra sức mời gọi, chăm sóc du khách cần đồng thời với việc xóa bỏ được dịch vụ “chặt chém” phản cảm đối với du khách. Thiết nghĩ, yêu cầu cấp bách đặt ra trong chiến lược của “ngành công nghiệp không khói” chính là sự liên kết, phối hợp giữa các lực lượng liên quan, xác định rõ trách nhiệm của địa phương nhằm xây dựng chuỗi du lịch an toàn, văn minh và hiện đại. Và như thế, để nụ cười của du khách luôn đọng lại ngay cả sau những chuyến tham quan, và những nụ cười của họ chính là tương lai của ngành du lịch Việt Nam.