Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hiện tổng thầu Trung Quốc không có vốn lưu động

T.Việt 07/07/2015 19:23

Là thông tin được Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết tại cuộc họp khẩn diễn ra vào sáng 7-7 tại Hà Nội. Theo ông Thành, Tổng thầu EPC (Trung Quốc) không có vốn lưu động mà phụ thuộc vào thanh toán khối lượng của chủ đầu tư nên chưa trả tiền cho các nhà thầu phụ. Nợ đọng đến ngày 6-7-2015 vào khoảng 367 tỷ đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hiện tổng thầu Trung Quốc không có vốn lưu động

Nguồn: baodautu.vn

Ông Thành cho biết, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu EPC tính đến thời điểm kiểm tra toàn diện đầu tháng 7/2015, đã chưa hoàn thiện tiến độ các hạng mục được Bộ GTVT đề ra, mặc dù đã không ít văn bản đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình gay gắt. Trước đó, “tối hậu thư” được Ban quản lý dự án đường sắt đưa ra đã ghi rõ: “Yêu cầu yêu cầu Tổng thầu EPC phải đốc thúc tiến độ tổng thể của công trình theo kế hoạch, nếu không hoàn thành sẽ đề nghị thay thế Giám đốc dự án của Tổng thầu”. Bản thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã “ám chỉ” việc chưa thể thay thế Tổng thầu do ràng buộc về hiệp định vay vốn. Song, đó cũng là sự chỉ trích gay gắt trước những bất cập nội tại của Tổng thầu EPC, trên tổng thể Dự án.

“Có lẽ, sự việc này sẽ không dừng ở đây”, ông Thành nói. Hiện nay, Tổng thầu EPC không có vốn lưu động mà phụ thuộc vào thanh toán khối lượng của chủ đầu tư nên chưa trả tiền cho các nhà thầu phụ. Nợ đọng cộng dồn, tới ngày 6-7, ước khoảng 367 tỷ đồng. “Ban quản lý dự án đã nhận được văn bản của nhà thầu phụ đề nghị cho vay tiền, mới có thể tiếp tục thi công. Điều đó tương ứng với tiến độ thi công có thể bị chậm trễ. Đây là dự án được sự quan tâm của nhân dân và dư luận, điều này không thể cho phép”, ông Thành nhấn mạnh.

Tại cuộc họp sáng nay 7-7, ông Yu Jiang, Giám đốc điều hành Dự án (Tổng thầu EPC) đã thừa nhận nhiều hạng mục dự án không đạt yêu cầu so với cam kết và yêu cầu thêm thời gian thi công. Tuy nhiên, trả lời “sòng phẳng” với Tổng thầu EPC, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, dự án đã gia hạn nhiều lần và không thể kéo dài thêm tình trạng này. Hiện nay, các hạng mục đang thi công chậm chễ bao gồm 12 nhà ga, lao lắp dầm đường sắt, khu depot, chậm thanh quyết toán cho nhà thầu phụ… Thứ trưởng Trường yêu cầu Tổng thầu EPC phải nghiêm túc chấn chỉnh và có lộ trình thanh quyết toán rõ ràng. Cụ thể, 10/12 nhà ga đến ngày 31-12 phải hoàn thành, trừ nhà ga Cát Linh và nhà ga vành đai 3. Ngày 15-10, phía Trung Quốc phải đưa đoàn tàu mẫu về Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Chậm nhất đến 30-3-2016 toàn dự án phải hoàn thành và đến 30-6-2016 sẽ chính thức đi vào khai thác…

Riêng đối với việc tăng tổng mức đầu tư dự án 250,6 triệu USD vốn tín dụng Trung Quốc, Thứ trưởng Trường yêu cầu Tổng thầu EPC phải báo cáo chi tiết tăng ở những hạng mục nào. “Mọi nguồn tiền phải rõ ràng và minh bạch. Ngoài ra, dự án không thể nói là không có tiền, với những gì hai phía đã cam kết. Sự châm chễ, ở lĩnh vực nào, trong thời điểm này, là không chấp nhận”, ông Trường kết luận.

Dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, có chiều dài 13 km (trên cao), khổ đường 1.435 mm với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia). Khu depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông… Dự kiến khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.

T.Việt