Đừng quá nuông chiều

Từ Khôi 08/07/2015 14:05

Từ một cậu bé đáng thương, nạn nhân của sự hành hạ năm nào, Hào Anh tiếp tục được giới truyền thông và dư luận chú ý khi trở thành nghi phạm trong một vụ trộm máy tính. Nguyên nhân nào xô đẩy Hào Anh từ chỗ đáng thương thành đáng trách? Tất nhiên, nguyên nhân chính không thể bào chữa là do tự bản thân Hào Anh. Ở cái tuổi 19, Hào Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình gây ra.

Hào Anh tại trại tạm giam

Nhưng nhìn lại hành trình từ chỗ đáng thương đến đáng trách của Hào Anh không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Năm 2008 (khi mới 12 tuổi), vì hoàn cảnh, Hào Anh phải bỏ học và được mẹ gửi vào làm thuê ở trại tôm giống Minh Đức ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tại đây, Hào Anh nhiều lần bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người… Tháng 6-2010, vợ chồng chủ đìa tôm hành hạ Hào Anh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên phạt mỗi người 23 năm tù và bồi thường vật chất cho Hào Anh 50 triệu đồng.

Thoát khỏi cảnh “địa ngục” ở đìa tôm, Hào Anh được Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau nhận về nuôi dưỡng. Số tiền hơn 700 triệu đồng do các nhà hảo tâm giúp đỡ được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau gửi trong ngân hàng chờ khi Hào Anh đủ 18 tuổi sẽ trao lại.

Học ở Trung tâm chưa đầy 2 năm, Hào Anh bắt đầu “quậy”. Ban đầu là trốn học, đi chơi...

Rồi điều gì đến cũng đã đến. Đêm 15-5, Hào Anh cùng em họ Phan Thảo Duy (20 tuổi) đã rủ nhau đi trộm máy tính của chủ sản xuất nước tương nơi họ làm việc. Chủ doanh nghiệp đã báo công an. Sau khi điều tra, Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã tạm giam Hào Anh và Phan Thảo Duy. Hiện tại hồ sơ đang được chuẩn bị hoàn tất kết luận và đề nghị VKS cùng cấp truy tố về tội Trộm cắp tài sản.

Trước sự việc xảy ra, dư luận lại xôn xao. Có ý kiến cho rằng: Tiền của những nhà hảo tâm đã hại Hào Anh. Không thể quy kết thế được. Đồng tiền không có lỗi. Lỗi là ở người sử dụng nó. Nhưng xét xâu xa hơn, lỗi xuất phát từ chính sự giáo dục đối với Hào Anh. Giáo dục từ gia đình cho đến Trung tâm. Ở độ tuổi 14 và chưa đến 16 tuổi, Hào Anh cần được tiếp tục học và rèn luyện nhân cách để bù đắp những năm tháng thiệt thòi trước đó. Hành động “quậy” của Hào Anh là chuyện bình thường như nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa. Thậm chí có những đứa trẻ còn “quậy” hơn Hào Anh nhiều nhưng vẫn trở thành người có ích cho xã hội. Có điều phụ huynh của họ không chiều và thoả mãn theo ý thích của con. Nếu Trung tâm kiên nhẫn thuyết phục gia đình để Hào Anh học tiếp thì có lẽ nhận thức của cậu thiếu niên này cũng sẽ được cải thiện. Và còn một điều đáng để bàn nữa là dư luận và một bộ phận giới truyền thông lại vun đắp thêm sự yêu thương thái quá cho Hào Anh. Sự cưng chiều quá mức đã làm hỏng cậu thiếu niên Hào Anh. Và bây giờ thì cũng xin dư luận hãy đừng quay 180 độ để rồi trách oán Hào Anh. Vấn đề giáo dục của gia đình Hào Anh chưa đúng còn thể hiện ở sự việc khác. Đó là Hào Em (em song sinh của Hào Anh) vì gia cảnh khó khăn, được đưa vào Trường giáo dưỡng ở Bến Lức (Long An). Cũng vì tính “quậy” nên bỏ học và cũng đi ăn trộm nên đã bị công an lập hồ sơ đưa đi Trường giáo dưỡng bắt buộc 2 năm.

Vì tình thương con quá mức, nên khi trả lời báo chí, mẹ Hào Anh còn đổ lỗi là Hào Anh bị xúi giục.

Từ vụ việc của Hào Anh, gợi cho chúng ta suy nghĩ nhiều về cách dạy con trong các gia đình, và dạy học sinh trong nhà trường. Người viết nhớ đến Sara Imas - một người mẹ Do Thái từng chịu bất hạnh trong cuộc sống gia đình nhưng vẫn đủ can đảm và sáng suốt để nuôi dạy 3 người con khôn lớn, trở thành những con người tài năng, những triệu phú của đất nước Israel. Họ đều tự tay trắng làm nên. Quan điểm dạy con của Sara Imas được thể hiện qua cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Trước những đòi hỏi của con, bao giờ Sara Imas cũng trì hoãn, khéo léo từ chối thoả mãn. Đồng thời khích lệ khả năng tự lập của con. Và khi con còn nhỏ, đã phải dạy chúng khả năng biết giá trị của đồng tiền, và biết cách quản lý tài sản...

Với đứa trẻ vốn đã “quậy”, được gia đình, rồi dư luận nuông chiều, không làm gì bỗng dưng nhận liền một khoản tiền rất lớn, thì tất yếu sẽ không biết sử dụng đồng tiền cho có ích. Lòng tốt vì thế cũng cần được đặt đúng chỗ, đúng lúc.

Dù sao thì vẫn mong rằng với vấp ngã này, Hào Anh sẽ “tỉnh táo” thoát khỏi những cơn mê về sự nuông chiều của gia đình, dư luận xã hội để trở thành người có ích cho xã hội.

Từ Khôi