Hỏng da từ việc dùng mỹ phẩm trôi nổi

Ngọc Minh 08/07/2015 14:45

Bùi Thị P, 18 tuổi (huyện Gia Lâm) đến khám tại BV Da liễu Hà Nội. Cô có biểu hiện mụn trứng cá lên mắt. “Cách đây một thời gian, cháu thấy thâm quầng quanh mắt, nghe người quen truyền tai có loại kem Trangala chữa khỏi thế là cháu tìm mua dùng luôn...”.

Ảnh minh họa

Sau khi nghe cô kể như vậy, TS.BS Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Da liễu Hà Nội khẳng định: Như vậy đây là nguyên nhân của triệu chứng trứng cá mắt của cô vì Kem Trangala bôi mặt là loại có chứa hoạt chất corticoit. “Giai đoạn đầu khi sử dụng loại mỹ phẩm này, chị em có biểu hiện da mịn và trắng trông rất bắt mắt nhưng từ 2-3 tuần sau khi dùng, tại đây bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nổi mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng, rối loạn sắc tố da (thâm đen)...” - ông cho biết. Trên da có chất melanin tạo màu sắc nguyên bản của da. 10% người bị bệnh có mụn trứng cá liên quan đến sử dụng mỹ phẩm.

Từ cách đây gần chục năm, con gái tôi đi học về vui mừng khoe mua được loại mỹ phẩm có tên Bảo Lâm có giá rất rẻ, chỉ vài chục nghìn/hộp, lại hiệu quả lắm. Nó tận mắt được thấy và nghe từ bạn học cùng lớp khuyến cáo sử dụng loại kem này sẽ làm da trắng và mịn. Quả nhiên, sau vài ngày, da con bé vốn dĩ đã trắng đẹp bỗng trở nên hồng hào rực rỡ hẳn lên. Nhưng, niềm vui chẳng được tày gang. Đến tuần thứ hai, mụn trứng cá cứ lần lượt đua nhau nổi lên, dày đặc choán nhiều chỗ trên gương mặt nó. Nhiều chỗ đỏ lựng hoặc thâm đen, chảy nước... khiến con bé khóc suốt mấy ngày và nhất định không dám đi học nữa. Vợ chồng tôi phải đưa cháu đến cậy nhờ BS. Phan Hồng Lãnh (Chuyên khoa Da liễu - BV Da liễu Trung ương). Phải mất hàng tháng chữa trị theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêu tốn mất hàng triệu đồng thuốc men, mặt con bé mới có thể gọi là coi được trở lại. Tuy nhiên, vẻ tự tin, đĩnh đạc vốn có của nó bấy lâu thì gần như biến mất. Khó khăn lắm tôi cùng bác sĩ mới có thể động viên cháu vui vẻ lên được. Theo BS. Lãnh, cùng với kem dưỡng da Bảo Lâm còn có các loại mỹ phẩm khác mang tên: Kem Trộn, Ốc Sên, Mủ Trôm, Trangala Biona… là các loại có chứa corticoit - loại dược phẩm thuộc loại cấm sử dụng vì nó đem lại hậu quả phá hoại kết cấu tế bào da kinh khủng. Cũng như nhận định chung của các chuyên gia y tế, BS. Lãnh khẳng định: Những loại kem có chứa hoạt chất corticoit lúc đầu làm da trắng mịn nhưng 2-3 tuần sau khi dùng, nó làm nổi mụn trứng cá ngày một dầy lên, to dần. Lâu dài loại mỹ phẩm này làm teo da, mọc lông trông rất gớm ghiếc.

Mánh khóe mà các chủ sản xuất thực hiện là thu lượm bất kể mọi nguyên liệu dù độc hại, đem pha tạp để có mẫu mã giống hàng thật. Sau đó, hàng hóa tùy cấp độ làm giả sẽ được phân phối, trà trộn hợp lý. Nếu là hàng cấp thấp (hàng giả có mẫu thua xa hàng thật), chúng sẽ được phân vào các sạp ở chợ. Hàng cấp cao hay còn gọi hàng giả loại một - với mẫu giống 90% hàng thật - sẽ có mặt ở một số cửa hàng mỹ phẩm trên phố, hoặc trung tâm thương mại có sự kiểm soát kém. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, vì người làm kém hiểu biết, không có nhiều kinh phí, mỹ phẩm giả được sản xuất trong điều kiện kém vệ sinh. Chúng có thể nhiễm vi khuẩn và các chất thải. Thậm chí người ta tìm thấy nước tiểu và vi khuẩn E. coli (thường có trong phân người) trong vài mẫu thử. Vì thế, người tiêu dùng có thể mắc phải từ mức độ nhẹ như mẩn ngứa, mề đay, mụn trứng cá cho đến trầm trọng như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, mắt...

Để tránh những hậu quả đáng tiếc nói trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tốt nhất nên mua hàng tại các cửa hàng mỹ phẩm có độ tin cậy cao, có tem kiểm định và để thận trọng nhất, nên bôi thử mỹ phẩm trước khi dùng ở những vùng da nhỏ, hẹp. Nếu thấy thực sự an toàn mới bôi trên diện rộng. Khi lỡ dùng phải mỹ phẩm chất lượng kém, giả, gây viêm da, hỏng da, nhất thiết phải đến khám các chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời. Các chuyên gia lưu ý: Nếu một món mỹ phẩm hàng hiệu mà có giá quá hời so với giá gốc, hãy cảnh giác đó là hàng giả. Tuy nhiên, có những món hàng giả được gọi là “xịn”, được niêm yết với giá ngang ngửa hàng thật nhưng chất lượng vẫn không thể lường trước được. Cần kiểm tra thêm yếu tố bao bì và điểm bán hàng. Với mỹ phẩm hàng hiệu, lỗi in chính tả hay bao bì đóng gói bừa bãi, kém sắc sảo là điều không bao giờ được chấp nhận. Thêm nữa, bạn vẫn nên lưu ý tên gọi sản phẩm có thực sự hiện diện trong hệ thống của thương hiệu đó hay không. Việc mù quáng chỉ nhìn tên thương hiệu sẽ đánh trúng tâm lý của những người ham đồ hiệu giá rẻ. Các hội chợ, hàng rong trên phố, các ki-ốt ngoài chợ trời, cửa hàng bán lẻ hay thậm chí những trang bán hàng trực tuyến vẫn là điểm lý tưởng để tiêu thụ mỹ phẩm giả. Để thực sự tin tưởng, bạn nên tìm đến trang web chính thức của thương hiệu, tìm hiểu các chi nhánh chính thức trước khi mua hàng.

Ngọc Minh