Vàng biến động, đồng Euro mất giá: Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng
Giá vàng đang có những biến động từ dư địa khó khăn của nền kinh tế Hi Lạp. Cùng với đó, người dân chứng kiến đồng Euro mất giá khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó.
Nguồn: bizlive.vn
Giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức ổn định trong khi giá vàng thế giới liên tục biến động. Vàng SJC hôm qua (7-7) được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 34,22 triệu đồng/lượng (mua vào); 34,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 34,26 – 34,29 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới chứng kiến sự đảo chiều liên tục của giá vàng. Nếu phiên giao dịch ngày 6-7, vàng tăng giá mạnh do nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh bảo toàn tài sản sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp với kết quả 61% người dân nước này nói không với các điều kiện của gói cứu trợ do các chủ nợ đề xuất. Nhưng sau đó 1 ngày, 15 giờ ngày 7-7, giá vàng giảm 2 USD/oz về 1167 USD/oz. Như vậy sau khi quy đổi, giá vàng thương hiệu quốc gia SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới 3,69 triệu đồng/lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng thế giới sẽ có những biến động, và rất khó đoán chính xác giá vàng, vì còn tùy thuộc vào nhiều chính sách kinh tế khác, không chỉ đơn thuần là ảnh hưởng từ sự cố Hi Lạp. Giá vàng trong nước cũng chịu sự biến động giá vàng thế giới nhưng mức độ ảnh hưởng bị giảm. Lý do được chỉ ra người dân Việt Nam đang dần hờ hững với vàng.
Trên thị trường tiền tệ, giá đô la Mỹ vẫn tiếp tục diễn biến trong xu hướng tăng nhẹ 5 đồng. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank niêm yết giá đô la Mỹ ở mức 21.760 – 21.840 VND/USD (mua vào – bán ra). Trong khi đó, đồng Euro được niêm yết: 23.826 – 24.118 VND/ Euro.
Một số ngân hàng khác niêm yết mức tỷ giá cho đồng đô la Mỹ: 21.775 – 21.835 VNĐ/USD. Trong khi đồng Euro ở mức 23.929 - 24.216 VNĐ/Euro (mua vào – bán ra) giảm gần 800 VNĐ/ Euro.
Sự sụt giá của đồng Euro đã trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, nên các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản… có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu lớn sang EU ít nhiều đều khiến doanh nghiệp lo lắng. Đồng Euro vẫn đang tiếp tục suy giảm khiến nhiều nhà nhập khẩu không chỉ giảm mua hàng hóa, mà sẽ còn tìm cách ép giá đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Trong cuộc họp bàn tháo gỡ khó xuất khẩu nông - lâm - thủy hải sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, đồng Euro yếu đều tác động không thuận đến xuất khẩu của Việt Nam, mà trực tiếp là làm giảm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này. Nhất là nhiều DN xuất khẩu dệt may, da giày đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và chi trả bằng đồng USD.