Tăng giờ làm thêm hay tăng năng suất lao động?

T.Dương 09/07/2015 11:15

Cho rằng thời gian làm thêm từ 200 đến 300 giờ hiện nay là thấp, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức mới đây, một số doanh nghiệp đã kiến nghị tăng thời gian làm thêm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện nay là phù hợp, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Trước vấn đề trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ quan điểm, phải tăng lương phù hợp cho người lao động. Bởi lẽ hiện nay, người lao động có mức thu nhập 3-4 triệu đồng chiếm 32,4%, mức 4-5 triệu đồng chiếm 26,7%; số còn lại ở mức 7-8 triệu đồng. Với mức lương như vậy, họ chỉ đủ sống. Ở nước ngoài tăng lương để tăng thu nhập, còn mình tăng làm thêm là để đủ sống nên phải xem xét tăng lương phù hợp.
Trao đổi với ĐĐK, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và TS. Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm. Ông Hà cho biết: Qua khảo sát cho thấy chỉ có một số công nhân xa nhà, thu nhập thấp nên buộc lòng phải làm thêm để đỡ được một bữa cơm chiều. Thứ nhất, khi làm thêm xí nghiệp phải cho họ một bữa cơm chiều. Thứ hai là có thêm thu nhập từ giờ làm thêm để trang trải cuộc sống, có tiền để có thể về quê. “Nó xuất phát từ vấn đề thu nhập thấp. Trước đây chúng tôi đã có hội thảo bàn luận về việc không nên làm thêm quá nhiều vì ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm, sinh lý của công nhân lao động. Vì công nhân không đủ sống nên mới phải làm thêm”-ông Hà chỉ rõ.

Về vấn đề tăng lương phù hợp cho người lao động, theo ông Hà, đang được đề xuất và Chính phủ đang có lộ trình. “Năm nay trong Hội đồng tiền lương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có đề xuất tăng lương vào năm 2016. Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra mức cho phù hợp và phấn đấu đến năm 2017, có thể tiền lương tối thiểu đạt được mức sống tối thiểu. Còn bây giờ tiền lương tối thiểu mới chỉ đảm bảo được 70% mức sống tối thiểu”-ông Hà cho hay.

Việc doanh nghiệp đưa ra lý do tăng thời gian làm thêm vì “năng suất lao động thấp”, ông Hà cho rằng: Nhiều khi họ khoán, buộc công nhân làm thêm mới đạt được mức khoán. Ví dụ một công nhân tối đa chỉ làm được 10 sản phẩm/1 ngày nhưng họ khoán 15 sản phẩm/1 ngày. Mặc dù làm 8 tiếng nhưng để đảm bảo được tiền lương thì phải làm hết 15 sản phẩm, có khi phải làm đến 12 tiếng. Và mấy tiếng đó không được trả lương.

Ông Hà cũng cho rằng, muốn nâng cao năng suất lao động cần 2 vấn đề. Thứ nhất là cải tiến công cụ lao động, tức là nhập máy móc công cụ hiện đại thì năng suất mới cao. Thứ hai là trình độ của người công nhân phải điều hành được máy móc thì mới sản xuất được, chứ nếu có đưa máy móc hiện đại nhưng công nhân không điều hành được hay điều hành kém thì năng suất cũng không thể cao.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam từng nhấn mạnh, năng suất lao động thấp mà đổ lên đầu người lao động là không được. Bởi năng suất lao động không phải chỉ phụ thuộc vào riêng người lao động, mà còn phụ thuộc vào toàn bộ dây chuyền sản xuất, nền kinh tế. Chúng ta đầu tư một máy móc mà công suất lạc hậu, công suất thấp thì làm sao năng suất lao động cao được?

Xin được nhắc lại rằng, việc tăng giới hạn giờ làm thêm đã từng được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đưa ra bàn thảo trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động vào năm 2012 với đề xuất tăng lên thành 360 giờ. Nhưng trong quá trình xin ý kiến rộng rãi các bộ ngành và tầng lớp nhân dân có nhiều ý kiến cử tri, chuyên gia phản đối. Xem xét dưới nhiều góc độ, Quốc hội quyết định không tăng giới hạn giờ làm thêm. Đặc biệt theo Bộ luật Lao động hiện hành, thì số giờ làm thêm của người lao động được quy định không quá 300 giờ/năm.

Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn vào cuối năm 2013 cho thấy: Nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành vẫn và tiếp tục tổ chức tăng giờ làm việc, tăng ca, gây nhiều bức xúc cho người lao động. Số liệu khảo sát cho thấy 20% số công nhân lao động bức xúc vì phải làm thêm giờ, thêm ca; 25% bức xúc vì tiền lương làm thêm giờ thấp, không được trả theo đúng quy định của Luật lao động; 60% số công nhân lao động trong ngành dịch vụ thương mại phản đối làm thêm vào ngày lễ, tết. Đại đa số công nhân lao động không muốn và không tự nguyện làm thêm giờ, thêm ca.

T.Dương