Triển khai chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030
Ngày 8-7 tại Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ công bố và triển khai “Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam (QLTHĐB) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2295 ngày 17-12-2014 với mục tiêu khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chiến lược gồm 4 nội dung chính: xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về QLTHĐB; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng; đào tạo tăng cường năng lực QLTHĐB cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2030, đới bờ của Việt Nam sạch, đẹp và an toàn để sinh sống, làm việc, đầu tư, nơi mọi người dân được quyền làm chủ và hưởng thụ tối đa các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái, cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo. Chiến lược được áp dụng đối với vùng biển ven bờ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có ranh giới ngoài cách bờ khoảng 6 hải lý, các xã, phường, thị trấn giáp biển của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Giới hạn trên có thể được điều chỉnh, mở rộng tùy thuộc vào năng lực và nhu cầu quản lý của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ TN&MT, việc áp dụng QLTHĐB ở Việt Nam đã được khởi đầu từ những năm 2000 và đã đạt được một số kết quả như xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (chương trình 158), xây dựng và lồng ghép các nội dung về QLTHĐB vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhận thức về QLTHĐB từng bước được nâng cao ở cả cấp Trung ương và địa phương…