Xin học cho con
Giữa những ngày Hội đồng nhân dân TP Hà Nội họp và theo trình bày của ngành giáo dục Thủ đô là không còn cảnh xếp hàng từ nửa đêm xin học cho con thì bên ngoài đời sống, cha mẹ đôn đáo chạy ngầm. Không xếp hàng công khai trước cổng trường thì phải có kiểu xếp hàng khác. Có lẽ chẳng khó khăn gì để biết được sự thật này, khi chính các vị lãnh đạo đang ngồi trong cuộc họp cũng phải “bảo lãnh”, “gửi gắm” cho ít nhất là vài ba trường hợp.
Với những trường điểm và có tiếng trong thành phố, việc không thi tuyển lớp 6 thì với học sinh trái tuyến vào bằng cách nào. Sự thật ai cũng biết mà lại mặc nhiên coi như không có là phải có mối quan hệ nhờ vả nào đó. Vậy nhưng trên bề nổi, đúng như lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo trước Hội đồng nhân dân là yên ả, không có điểm nóng nào.
Có việc cần gặp lãnh đạo phòng giáo dục một quận nội thành, người viết bài này trực tiếp chứng kiến cảnh khách ngồi đợi ở phòng thường trực, người này xuống thì người khác lên. Ông bảo vệ buông lời giãi bày với khách: Mùa tuyển sinh năm nào cũng thế. Còn nhiều phòng ban khác không liên quan đến giáo dục trong các quận, nghe nói cứ trưởng các ngành đều phải có vài suất ngoại giao vào các trường điểm trong quận.
Một chị phụ huynh kể rằng chị cầm thư tay một lãnh đạo để xin cho con vào lớp 6 một trường điểm trong thành phố. Nghe nói trường ấy toàn học sinh giỏi, chất lượng nên cũng chuẩn bị sẵn các giấy khen, chứng nhận con được giải nọ giải kia vì nghĩ là người ta chỉ tuyển các em xuất sắc. Nào ngờ vị lãnh đạo phòng giáo dục nọ gạt phắt đi, ai hỏi đến giấy khen làm gì, đơn xin học đâu đưa đây. Chị ra về lòng đầy hoang mang, đi xin học bây giờ người ta chỉ quan tâm đến đơn (đã có lời gửi gắm của ai đó) và phong bao.
Nhưng may, chị không đến nỗi thất vọng, đời có người thế này thế khác. Chị đem giấy khen, thành tích của con tới một trường trong quận khác, nơi gia đình chị sống, chị biết trường này dạy rất tốt chỉ là không có tiếng như trường kia thôi. Cô hiệu trưởng cầm giấy khen của con, đồng ý nhận con dù trái tuyến, vì “những em như này không nhận thì nhận ai”. Chị về, bỏ phắt luôn suất vào ngôi trường lừng lẫy dù là mất công nhờ vả thư tay gửi gắm để có một suất. Con cần được vào học ở nơi con được chào đón một cách xứng đáng.
Kể lại câu chuyện của một phụ huynh vừa diễn ra nóng hổi trong những ngày qua để thấy, báo cáo trong phòng họp (dù ở nơi vốn cũng là nóng là Hội đồng Nhân dân) và thực tế bên ngoài không hề sát nhau. Nhiều phụ huynh nói sở dĩ ngành giáo dục không thấy có điểm nóng nào là bởi các trường mầm non công lập không tuyển sinh trẻ em dưới 3 tuổi, có tuyển đâu mà xếp hàng nộp đơn.
Đúng là với cách làm như hiện nay, Hà Nội về cơ bản đảm bảo cho trẻ em có đủ chỗ học theo địa bàn sinh sống. Nhưng đồng thời cũng có một mạch ngầm khác, dữ dội vô cùng cho những cuộc chen chân vào trường nọ trường kia (trái tuyến). Ở bên ngoài người ta rỉ tai nhau giá trường này, trường kia và nhiều phụ huynh mặc nhiên chấp nhận những mức giá ấy để xin học cho con.
Đây là những vấn đề không mới, nếu không muốn nói là chuyện cũ mèm ở Hà Nội và một vài đô thị khác (nhưng chắc không đâu nóng bằng Hà Nội) từ hàng hơn chục năm nay. Có một lần, người viết bài này đã ngồi nghe thầy hiệu phó một trường điểm lừng lẫy trong thành phố kể tường tận những trường đoạn chạy trường đang diễn ra như thế nào. Vậy nên nó vẫn mặc nhiên và ngang nhiên diễn ra, vừa mặc nhiên vừa âm thầm, để phía bên trên một sự yên ả mà lãnh đạo có thể đưa vào trong báo cáo của ngành.