Lãnh đạo châu Âu ra “tối hậu thư” cho Hy Lạp
Thủ tướng Hy Lạp đã kêu gọi cộng đồng Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết trong bối cảnh giới lãnh đạo Khối đồng tiền chung (Eurozone) đã quyết định gia hạn thời gian để nước này trình kế hoạch trả nợ mới, được xem là “tối hậu thư” cho Hy Lạp, dự kiến vào cuối ngày hôm nay.
Ông Tsipras tuy có dấu hiệu nhượng bộ các chủ nợ, nhưng vẫn chưa có hành động cụ thể (Nguồn: AFP)
Phòng thí nghiệm?
Trong một buổi tranh luận tại Nghị viện châu Âu hôm 8-7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi: “Đừng để châu Âu bị chia rẽ”. Hy Lạp cần phải đưa ra được các đề xuất mới vào cuối ngày hôm nay để có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, trước khi một cuộc họp thượng đỉnh của EU diễn ra vào hôm Chủ nhật tuần này.
Ông Tsipras cho hay Chính phủ của ông đang làm việc để soạn thảo các đề xuất mới nhưng lại không đưa thêm nhiều chi tiết. Ông cũng bày tỏ sự “tự tin” rằng trong vòng vài ngày tới Chính phủ Hy Lạp có thể đáp ứng “các cam kết phù hợp với lợi ích của Eurozone và Hy Lạp”.
Trong cuộc tranh luận hôm 8-7, ông Tsipras đã nhận được cả những lời chê trách lẫn ủng hộ khi ông này lên tiếng chỉ trích các gói cứu trợ cho Hy Lạp trước đây đã biến nước này thành một “phòng thí nghiệm các biện pháp khắc khổ”.
“Cuộc thí nghiệm mà tất cả chúng ta đều đã phải chấp nhận, đã không thành công” – ông Tsipras nói trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg.
Phát biểu của ông Tsipras xuất hiện chỉ vài ngày sau khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ của họ đề xuất, trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Tuy nhiên, kết quả này đã gây nên tình trạng chia rẽ ngay trong nội bộ Nghị viện châu Âu về khoản nợ của Hy Lạp, khi một số thành viên Nghị viện ủng hộ kết quả trên.
Ngược lại, một số thành viên như Manfred Weber của Đức lại chỉ trích Hy Lạp đã thất bại khi không thể đưa ra chi tiết về đề xuất mới, đồng thời cáo buộc ông Tsipras đã công kích các lãnh đạo châu Âu khác. “Những kẻ cực đoan ở châu Âu đang hoan nghênh ông ấy” - ông Weber ám chỉ việc một số thành viên trong Nghị viện châu Âu ủng hộ kết quả trưng cầu ở Hy Lạp.
Viễn cảnh nào cho Hy Lạp?
Các chủ nợ của Hy Lạp – gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – đã mong đợi nước này xác nhận kế hoạch trả nợ mới vào ngày 7-7 nhưng thực tế đã khiến họ thất vọng. Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng “chỉ còn lại 4 ngày” để các bên đạt được thỏa thuận. Còn ở Brussels, Hy Lạp đã bị trao cho một tối hậu thư: Hoặc phải đạt được thỏa thuận, hoặc Hy Lạp và hệ thống ngân hàng của họ sẽ đối mặt với sự sụp đổ vào đầu tuần sau.
Cuộc họp hôm 8-7, đã chứng kiến sự nhượng bộ của ông Tsipras trước các chủ nợ phương Tây khi lần đầu tiên ông này thừa nhận rằng các vấn đề mà Hy Lạp đang phải đối mặt không phải lỗi của riêng các chủ nợ của họ. Trong tuyên bố của mình, ông Tsipras thừa nhận rằng nạn tham nhũng diễn ra trong nhiều thập kỷ đã khiến đất nước đi xuống và cam kết sẽ chấm dứt tình trạng này.
Nhưng dù có như vậy, Athens vẫn chưa giải quyết được bất cứ vấn đề nào. Có lợi thế sau khi cuộc trưng cầu dân ý đã có kết quả đúng như ý muốn, đến nay ông Tsipras vẫn chưa có một động thái rõ ràng nào, ngay cả về đề xuất mới trong việc trả nợ. Bất kỳ một thỏa thuận nào giữa đôi bên đều được chính quyền Athens yêu cầu là phải vạch ra được viễn cảnh tăng trưởng ở Hy Lạp và thảo luận về khoản nợ của họ.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng của nước này vẫn trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng và vẫn đóng cửa kể từ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đến nay. Lệnh kiểm soát vốn đối với các ngân hàng vẫn có hiệu lực và mỗi người dân nước này chỉ được phép rút khoản tiền dưới 60 Euro/ngày.