Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam: Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức
Nền kinh tế trong nước tiếp tục có những dấu hiệu khả quan, GDP đạt tăng trưởng cao hơn so với những năm gần đây và lạm phát được kiểm soát tốt. Với những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế, cộng đồng DN nói chung, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (TCT) nói riêng cũng đang có sự phục hồi sản xuất và kinh doanh, đạt được sự tăng trưởng đáng ghi nhận.
Xác định được những thách thức sẽ phải đối mặt khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng rộng mở, đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên TCT đã và đang nỗ lực phấn đấu để đẩy mạnh hoạt động, nâng cao năng lực, ngày một đưa ra thị trường những sản phẩm bánh kẹo, thuốc lá... thực sự cạnh tranh. Với sự nỗ lực đó, 6 tháng đầu năm 2015, TCT đã đạt được những thành quả đáng chú ý: Sản lượng thuốc lá điếu đạt 1.569 triệu bao, bằng 49% KH, tăng 4% so CKNT. Sản lượng bánh kẹo đạt 15.679 tấn, hoàn thành 42% KH và tăng 4% CKNT. Kim ngạch xuất khẩu đạt 82,1 triệu USD, hoàn thành 47% KH và bằng 95% CKNT… Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ toàn ngành ước đạt 2.597 triệu bao, tăng 1,7% so CKNT. Trong đó, sản lượng nội tiêu ước đạt 1.838 triệu bao, tăng 1,7% so CKNT, thị phần của TCT chiếm khoảng 54,6% sản lượng toàn ngành, tăng 1,2 điểm % so với năm 2014. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm bánh kẹo trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 15.679 tấn, hoàn thành 42% KH và tăng gần 4% so CKNT. Trong đó, sản lượng nội tiêu đạt 14.068 tấn, hoàn thành trên 42% KH, tăng 4,5% so CKNT. Tại thị trường nội địa, các đơn vị trong Tổ hợp TCT (Hải Hà, Hữu Nghị, Hải Hà - Kotobuki) vẫn nỗ lực duy trì được khả năng cạnh tranh thông qua hình ảnh thương hiệu đã xây dựng và phát triển tốt, am hiểu thị hiếu người tiêu dùng địa phương, đặc biệt Hữu Nghị đạt được sự tăng trưởng khá cao...
Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận, sự phát triển của các đơn vị thành viên Tổ hợp TCT chưa đồng đều, đặc biệt thị trường tiêu thụ của các đơn vị miền Tây bị ảnh hưởng rất lớn bởi thuốc lá nhập lậu (với nhiều chủng loại, bao gồm sản phẩm giá rẻ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm kinh doanh chính của các đơn vị tại phân khúc phổ thông). Theo nhận định của Ban Lãnh đạo TCT, hoạt động SXKD của ngành thuốc lá vẫn còn gặp nhiều thử thách từ việc chuyển đổi CBSK bằng hình ảnh, sự gia tăng mạnh mẽ của thuốc lá nhập lậu do lợi nhuận cao. Dù vậy, có thể nói, Chỉ thị 30/2014/CT-TTg được chú trọng triển khai đã phần nào làm giảm tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu. TCT luôn tích cực tham gia cùng Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền, đấu tranh phòng chống thuốc lá lậu và chủ động kiến nghị những giải pháp để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 30/2014/CT-TTg. Các hoạt động phòng chống thuốc lá nhập lậu cần tiếp tục được duy trì đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong thời gian hơn nữa để có thể phát huy được hiệu quả dài hạn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị trong Tổ hợp vẫn cố gắng duy trì sản lượng xuất khẩu với sản lượng 567 triệu bao (đạt 47% KH và tương đương 97% CKNT) nhằm đảm bảo đời sống và việc làm của người lao động. Duy trì được sản lượng xuất khẩu ở mức cao sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các đơn vị.
Đến nay thuốc lá điếu vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TCT, kim ngạch xuất khẩu chiếm 79% tổng kim ngạch của Tổ hợp, tăng 0,6% so CKNT với 65 triệu USD. Giá trị xuất khẩu bánh kẹo tiếp tục tăng 1,6%, đạt 6 triệu USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu của TCT đã tăng trưởng trong nhiều năm qua ở hầu hết các lĩnh vực, do đó việc duy trì sự tăng trưởng là nỗ lực rất lớn của các đơn vị.
Để chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển được thị trường xuất khẩu trong dài hạn, Lãnh đạo TCT cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt thông tin về các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam tham gia (cũng như quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN) để kịp thời nắm bắt cơ hội, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp nhất và nâng cao sự phối hợp trong hoạt động xuất khẩu. Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm - bánh kẹo, TCT cho hay, theo chu kỳ hàng năm, sức mua của thị trường trong nước sẽ tăng so với 6 tháng đầu năm do cuối năm có nhiều dịp lễ, hội. Những vụ mùa chính quyết định kết quả kinh doanh của ngành bánh kẹo (Trung Thu, Noel và Tết Dương lịch...) cùng nằm trong giai đoạn này. Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng tăng với sự tham gia ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp khu vực ASEAN trong lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm - bánh kẹo. Đây thực sự là những thử thách lớn đối với TCT.
Trước những cơ hội thời kỳ hội nhập đang mở ra đồng thời cũng là thách thức đối với cộng đồng DN nói chung, ngành thuốc lá nói riêng, lãnh đạo TCT cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thêm đối tác, nguồn cung nguyên liệu đầu vào một cách hợp lý để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất (Trung Quốc). “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp trong nước nói chung và TCT nói riêng có thể phát triển ổn định” – Lãnh đạo TCT nhận định. Tuy nhiên, song song với những nỗ lực của bản thân DN, TCT đề xuất, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389/TW) trong việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá theo Chỉ thị 30/CT-TTg. Đăc biệt là xử lý kiên quyết, triệt để các cửa hàng, điểm bán lẻ thuốc lá lậu tại các địa phương... để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, TCT cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giữ nguyên quy định cũ về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc có phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt khác phù hợp hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuốc lá trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước thay thế các sản phẩm thuốc lá nhập lậu.