Nhiều trường sẽ khó tuyển sinh

Đoàn Xá 10/07/2015 07:00

Mặc dù hiện nay công tác chấm thi ở các cụm do ĐH chủ trì chưa hoàn tất và phải tới ngày 20/7 mới là thời hạn cuối để kết thúc nhưng ngay từ bây giờ, một vài thống kê về điểm số của thí sinh năm nay đã được công bố. Theo đó, do đề thi là 2 trong 1, vừa là căn cứ để xét tốt nghiệp THPT nên điểm số đúng như đánh giá của nhiều người, khoảng điểm 5-7 chiếm phần lớn các bài thi được chấm. Điều này dẫn đến hệ lụy nhiều trường ĐH, CĐ cảm thấy lo lắng, khó khăn hơn trong công tác xét tuyển chỉ tiêu đầu

Theo lãnh đạo trường ĐH Luật TP HCM, nhà trường sẽ tuyển sinh bằng cách ra thêm một bài kiểm tra năng lực để đánh giá khả năng thích nghi của sinh viên đối với một số ngành học luật, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua. Điều này ít nhiều cho thấy, đề thi tốt nghiệp chung không có khả năng phân loại, chọn lọc thí sinh như mong muốn của trường ĐH Luật TP HCM.

Tuy nhiên, đó không phải chỉ là suy nghĩ của riêng trường ĐH Luật TP HCM mà nhiều trường khác cũng có sự lo lắng như vậy vì phân khúc điểm của thí sinh năm nay ít. Hiểu đơn giản, một vài trường ĐH danh tiếng có thể nhận đồng thời hàng ngàn thí sinh có điểm số tương đương nhau trong khi chỉ tiêu của trường có thể chỉ chừng một trăm chỉ tiêu mà thôi. Tình trạng này bắt buộc nhiều trường phải có phương án phụ để xét tuyển vì nếu theo cách thức thông thường là chọn lựa trong tất cả các hồ sơ nộp vào trường mình rồi lấy từ số điểm cao trở xuống cho tới hết chỉ tiêu thì thực sự, bảng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua không phản ánh đầy đủ thực lực của các thí sinh.

Cụ thể, lãnh đạo trường ĐHQG TP HCM cho biết, nếu nhà trường năm nay có chỉ tiêu tuyển sinh là 1.000 mà trong đó có 5.000 hồ sơ nộp vào và lại có tới 2.000 hồ sơ có số điểm tương đương nhau thì việc chọn lựa sẽ khó khăn và bất khả thi. Ngay cả việc nhà trường thay đổi điểm số tuyển sinh như nâng lên hay hạ xuống 0,25 điểm thì cũng có hàng trăm hồ sơ được chọn lựa, trong khi chỉ tiêu nhà trường lại không thể nhiều như vậy. Dường như, bất cập lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chính là việc không phân loại được thí sinh một cách chi tiết nhất theo yêu cầu ngày càng khắt khe của các trường ĐH, CĐ.

Trong khi đó, do đề thi còn là căn cứ để xét tuyển tốt nghiệp THPT nên việc nội dung đề có nhiều câu hỏi quá dễ, như “cho không” điểm thí sinh và không có câu hỏi thực sự để phân loại khá và giỏi khiến các trường càng thêm khó khăn hơn trong khâu chọn lựa thí sinh. Đấy chính là lỗ hổng trong tuyển sinh khi chỉ có 1 căn cứ duy nhất là dựa vào bảng điểm thi của các môn mà thôi.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, khi mà điểm tuyển sinh còn chưa được công bố, hồ sơ thí sinh cũng chưa nhận được nhưng lãnh đạo nhiều trường ĐH đã bắt đầu tính tới khả năng sử dụng phương án tuyển sinh phụ, tức là kèm thêm và tiêu chí khác nếu số lượng hồ sơ quá nhiều điểm tương đương nhau. Có thể xét điểm của riêng môn Toán, hoặc môn Ngoại ngữ, hoặc xét bảng điểm của 3 năm học THPT… Tuy nhiên, dù là làm theo cách nào thì điều quan trọng mà bất cứ ai cũng nhìn thấy là, bên cạnh những mặt tích cực, làm giảm áp lực thi cử, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn tồn tại khá nhiều lỗ hổng, đặc biệt là những lổ hỗng trong công tác tuyển sinh cần phải khắc phục.

Đoàn Xá