Hàng ngoại nhập ngập thị trường

Thanh Giang 10/07/2015 08:00

Mặc dù các hiệp định tự do thương mại chưa chính thức có hiệu lực nhưng thị trường nội địa đang chứng kiến sự có mặt của hàng loạt mặt hàng đến từ các nước ASEAN, châu Âu…

Hàng ngoại nhập ngập thị trường

Bánh kẹo là một trong những mặt hàng chứng kiến sự tham gia sâu rộng
của DN ngoại trên thị trường Việt Nam.

Ảnh: S. Xanh

Hàng ngoại ồ ạt chiếm lĩnh

Tại hệ thống siêu thị Maximark, nước uống các nước đã có mặt đầy đủ trên kệ hàng. Đơn cử, Thái Lan có sản phẩm Asahi, Singha; Đức có sản phẩm Becks Oettinger; nước khoáng phải kể đến Perier Lime của Pháp; riêng mặt hàng nước uống đóng chai hương trái cây tràn ngập sản phẩm của Malaysia, Úc… Về mặt hàng bánh kẹo nổi cộm sản phẩm bánh quy số 1 của Mỹ như: Goldfish, Tahoe, Chessmen; bánh Walkers “made in” Scotland, Meji Cracker xuất xứ Singapore; bánh Go Chess của Indonesia…

Riêng sản phẩm dầu ăn, có sự xuất hiện của dầu ăn Dikanka, Coroli “made in” Ucraina và Hà Lan. Cẩn thận hơn, siêu thị Maximart còn phân định rạch ròi khu bánh kẹo trong nước và khu bánh kẹo ngoại nhập. Tại siêu thị Lotte, quầy hàng nào cũng đầy rẫy hàng hóa đến từ AsianZon, trong đó đóng vai trò chủ đạo vẫn chính là sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc: găng tay, miếng rửa bát, bánh kẹo, cà phê đến chăn - ra - gối - nệm.

Không chỉ nở rộ tại hệ thống siêu thị, hàng nhập khẩu đang dần dần chiếm lĩnh thị trường thông qua kênh phân phối cửa hàng. Điển hình, cửa hàng Thế giới hàng Mỹ (quận Tân Bình) trưng bày đầy đủ hạnh nhân, yến mạch, nước hoa… Chuyên về hàng Mỹ phải kể đến US.Mart (quận 1) với nhóm thực phẩm đóng hộp như: bánh kẹo, ngũ cốc, nước trái cây, chocolate…

Thực tế từ thị trường tiêu dùng cho thấy, tất cả sản phẩm của các nước đã bắt đầu chen chân vào thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các nước nằm trong Asean. Nhìn nhận về lượng hàng hóa nhập khẩu hiện nay đa số người tiêu dùng cho rằng, họ đang được thỏa mái lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Lo hàng Việt mất chỗ đứng

Trong năm 2015, ngoài việc chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam còn ký kết với 6 hiệp định thương mại, bao gồm: TPP, Rcep, Việt Nam – EU, Việt Nam Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazaxtan… Càng đi sâu vào hội nhập càng nhận ra rằng, vấn đề không phải là bán được bao nhiêu mà điều quan trọng hơn cả là sản phẩm Việt Nam chiếm được vị trí nào trong chuỗi giá trị. Liên quan đến vấn đề này bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao quan ngại đặt câu hỏi” “Hàng Việt sẽ đứng ở đâu khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực?”.

Băn khoăn trước “làn sóng” lớn mạnh của hàng nhập khẩu ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế bày tỏ: “Hội nhập chắc chắn đem lại sự cạch tranh khốc liệt giữa sản phẩm trong và ngoài nước. Đến cả giống cây trồng Việt Nam cũng phải nhập khẩu thì chắc chắn không tránh khỏi hàng nhập khẩu sẽ áp đảo hàng Việt”.

Năm 2015, nhiều hiệp định đã ký kết nhưng thời hạn thực thi chưa đến song hàng nhập khẩu từ các nước đã liên tục thâm nhập, đồng thời dành một số vị trí nhất định trên thị trường tiêu dùng. TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định: “DN Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường nội địa từ DN các nước Asean. Từ trước đến nay hàng hóa trong khối Thái Lan, Malaysia, Sigapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đồng loạt “tấn công” vào Việt Nam. Sắp tới đây, lượng hàng nhập khẩu sẽ vào nhiều và nhanh hơn khi thuế suất nhập khẩu của nhiều mặt hàng giảm về 0%”.

Nhìn vào thực tế thị trường tiêu dùng trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam - VCCI) cho rằng, nguyên nhân khiến cho nhiều sản phẩm ngoại đang dần dần có mặt thị trường Việt Nam trước thời hạn mở cửa là do Việt Nam giảm thuế quan quá sớm. “Nhà chúng ta rất rộng nhưng lại muốn thu hẹp lại. Được bảo hộ thuế quan nhưng lại loại bỏ thuế trước lộ trình thì thật đáng tiếc! Mở cửa quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình cam kết dẫn đến tình trạng hàng hóa ồ ạt đổ vào trước thời gian. Điều vô tình bất lợi cho DN trong nước”- bà Trang nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, đến nay Việt Nam ký 10 hiệp định thương mại tự do với các nước (8 hiệp định đang thực thi). Tính ra có khoảng 20 đối tác cam kết loại bỏ thuế tới 0%. Lộ trình cắt giảm thuế quan rất rõ, với Asean Việt Nam thực hiện cắt giảm về 0% vào năm 2018. Riêng các nước khác Úc, Newzealand thì khoảng năm 2026 nhưng đến thời điểm hiện nay phần lớn thuế các loại hàng hóa đã ở mốc 0%. Sắp tới đây khi chúng ta ký TPP với 11 nước và ký với EU là 28 nước, như vậy tổng cộng có khoảng 50 – 60 đối tác mà Việt Nam cam kết giảm thuế quan.

Thanh Giang