Sửa đổi, bổ sung Nghị định 67: Để ngư dân dễ tiếp cận vốn

Lục Bình 10/07/2015 07:00

Hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ 1 lần sau đầu tư; thậm chí ngư dân được mua máy cũ cho tàu của mình... là những điểm mới được đưa ra để gỡ những nút thắt trong việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định 67: Để ngư dân dễ tiếp cận vốn

Một con tàu được đóng với sự hỗ trợ của ngân hàng.

Đóng tàu vỏ thép, được vay tối đa 16 năm

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số chính sách của Nghị định số 67 đã được các Bộ, ngành soạn thảo. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Dự thảo bổ sung có quy định mới đó là tạo cơ chế hỗ trợ một lần cho ngư dân sau đầu tư.

Cơ chế này sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Hỗ trợ một lần bằng tiền (sau khi đầu tư xong 1 con tàu), tương đương với số tiền hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng mà Nhà nước hỗ trợ cho tàu đó suốt thời gian vay vốn. Do vậy, chủ tàu có thể được lựa chọn cơ chế mới này hoặc là lựa chọn vay vốn với lãi suất thấp như quy định của Nghị định 67.

Để tránh tình trạng ngư dân nhận hỗ trợ một lần họ có thể bán tàu, gây thất thoát ngân sách, sẽ có những cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Điểm đáng chú ý theo Bộ Tài chính chính là việc, mức hỗ trợ sẽ tính bằng tỉ lệ phần trăm trên trị giá con tàu ở mức trung bình, đủ điều kiện để tàu hoạt động trên biển và có khống chế số tiền tuyệt đối cho từng loại tàu. Nếu chọn chính sách này, ngư dân không được bán tàu trong suốt thời gian khai thác cũng như hưởng các ưu đãi về lãi suất, vốn vay, bảo hiểm...trong Nghị định 67 mà phải sử dụng vay thương mại.

Cho ý kiến vào cơ chế mới này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị trước mắt phải thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng. Bởi, nếu hưởng chính sách này thì chủ tàu không được bán tàu trong suốt thời gian khai thác. Quản tiền ngân sách là đúng, nhưng cũng cần phải bảo đảm được quyền lợi của chủ tàu ở một mức độ nào đó khi hoàn thành con tàu mà họ bỏ phần lớn tiền của ra để làm.

Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng nâng thời hạn cho vay đối với trường hợp đóng mới, tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới từ 11 năm lên 16 năm (trong đó có 1 năm ân hạn lãi suất). Giải thích vì sao phải kéo dài thời hạn trả nợ của ngư dân, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trung cho biết: Trong Nghị định 67 có quy định, thời gian vay vốn đóng tàu 10 năm và năm đầu không phải chịu lãi. Tuy nhiên, tàu vỏ thép có độ bền lớn hơn, có thể 10-20 năm mới hết khấu hao, nếu vốn vay chia ra 10 năm, ngư dân đóng một con tàu khoảng 15 tỷ đồng, thì mỗi năm họ phải trả 1,5 tỷ đồng.

Do đó, số tiền để trả nợ của các năm không phụ thuộc với tuổi thọ con tàu và phải trả nợ nhiều quá, nên cũng gây khó khăn cho ngư dân khi tham gia đóng tàu. “Vì vậy, việc kéo dài thời gian trả nợ sẽ tạo điều kiện cho ngư dân giãn thời gian trả nợ, cũng như không phải trả một khoản tiền quá lớn trong thời gian ngắn hơn”-ông Trung bày tỏ.

Được mua máy cũ

Để gỡ khó cho Nghị định 67, một nội dung mới cũng sẽ được đưa vào Nghị định đó là, ngư dân có thể dùng máy cũ đối với tàu của mình. Trả lời câu hỏi làm thế nào để giám sát việc sử dụng máy cũ của ngư dân, tránh tình trạng người dân “lách luật”, sử dụng máy kém chất lượng, khiến nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới? Ông Nguyễn Văn Trung cho biết: Để hiện đại hóa các con tàu, không nên dùng máy quá cũ. Thực tế cho thấy, có tình trạng ngư dân sử dụng máy cũ đang lúc gió bão thì xảy ra tình huống mất an toàn, có tàu bị gãy trục cơ, thả trôi, hỏng máy… có thể nguy hiểm tới tính mạng ngư dân. Mặt khác, khi hư hỏng máy thì chuyến đi biển đó chắc chắn là lỗ vốn.

Liên quan đến về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Bộ đã dự thảo một Thông tư về nhập khẩu, sử dụng máy móc cũ nói chung. Theo đó, máy có thời gian sử dụng không quá 10 năm, có tiêu chuẩn phù hợp với quy định máy móc nhập khẩu của các nước công nghiệp phát triển G7 hoặc phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Trước những ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số chính sách của Nghị định 67, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, phải kiên định thực hiện mục tiêu mà Nghị định 67 đặt ra ngay từ đầu là đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, góp phần thay đổi cách thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ biển đảo.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tàu công suất nhỏ (thấp hơn 400 CV) chỉ có thể khai thác gần bờ, dễ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. “Chính phủ không khuyến khích đóng loại tàu này. Chủ tàu muốn được ưu đãi nhiều hơn thì phải đóng tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới có công suất lớn”- Phó Thủ tướng kết luận và đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện Dự thảo nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 7 này.

Lục Bình