Đàm phán hạt nhân Iran sắp đạt được thỏa thuận lịch sử
Iran cùng 6 cường quốc dường như đã đến rất gần một thỏa thuận lịch sử hôm 9/7 có thể chấm dứt 12 năm căng thẳng về vấn đề hạt nhân của Tehran, nhưng vẫn tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề quyền mua bán vũ khí và tên lửa của Iran.
Các bên đàm phán hạt nhân dường như sắp đi đến một thỏa thuận lịch sử (Nguồn: Internet)
Chặng cuối?
Trong suốt khoảng thời gian 2 tuần qua, Iran, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã 2 lần mở rộng hạn chót đưa ra một thỏa thuận dài kỳ cho vấn đề hạt nhân Iran. Thỏa thuận này buộc Tehran phải hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm trong vòng một thập kỷ tới để đổi lại việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Vào sáng 9/7, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cùng người đứng đầu ngành hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi đã có cuộc thảo luận quan trọng. Trong cuộc họp này, ông Salehi còn nói rằng có khả năng đây “là ngày cuối cùng”, và các bên đang giải quyết những vấn đề cuối cùng trong khả năng tốt nhất của mình.
Tuy nhiên, đó không phải điều dễ dàng cho cam bởi trong suốt hai tuần vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Mohammad Javad Zarif mặc dù gần như gặp gỡ hàng ngày để giải quyết vấn đề nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng các nước Pháp, Anh và Đức cũng đã trở lại bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận trước hạn chót vào ngày hôm nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 9-7 cho hay phần chính của thỏa thuận, cùng với 5 phụ lục, đã “hoàn thành được 96%”. Ngoài ra, việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran phần lớn đã được các bên thỏa thuận xong xuôi. Vấn đề vướng mắc là ở chỗ Tehran yêu cầu chấm dứt lệnh cấm mua bán vũ khí mà Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt cho họ. Yêu cầu này hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng lệnh cấm mua bán vũ khí của LHQ nên là lệnh trừng phạt đầu tiên được gỡ bỏ nếu như các bên đạt được thỏa thuận. “Chúng tôi kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm vận này càng sớm càng tốt và chúng tôi sẽ ủng hộ các lựa chọn mà các nhà đàm phán Iran đưa ra” - ông Lavrov nói.
Vướng mắc cuối cùng
Tuy nhiên, ngay từ hôm đầu tuần, giới ngoại giao phương Tây đã nói rằng dù cho Nga và Trung Quốc có phản đối lệnh cấm mua bán vũ khí và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, họ phải nhớ rằng đã từng quyết định không phá vỡ quan điểm của phương Tây trong vấn đề này.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thống nhất sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí và tên lửa ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Iran. Tehran thì cho rằng lệnh cấm vũ khí và tên lửa mà họ đang gánh chịu không liên quan tới các cuộc đàm phán hạt nhân và bởi vậy cần phải được gỡ bỏ nếu thỏa thuận được ký kết.
Quan điểm trái ngược mà các bên đưa ra đã khiến cho vấn đề này chưa thể được giải quyết và là vấn đề duy nhất đang ngăn cản họ tiến tới một thỏa thuận lịch sử. Tuy nhiên, trong vòng đàm phán lần này, Tehran dường như đã đánh tiếng trước rằng sẽ ký kết một thỏa thuận với các cường quốc.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước khi rời khỏi Tehran hôm 8-7 đã có buổi phỏng vấn với Hãng tin Mehr, trong đó nói rằng: “Iran đang tự chuẩn bị cho chính mình cho giai đoạn sau đàm phán và sau khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, và trong đó mối quan hệ của chúng tôi với các nước khác sẽ được mở rộng”.
Các nước phương Tây bấy lâu nay luôn cáo buộc Iran tìm cách tăng cường khả năng hạt nhân để chế tạo vũ khí, trong khi Tehran khẳng định rằng chương trình phát triển hạt nhân của họ mang mục đích hòa bình. Ngay khi một thỏa thuận đạt được, đây chắc chắn sẽ là một chiến thắng lớn về mặt chính trị cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như Tổng thống Iran Hassan Rouhani.