Hiểm nguy nghề lặn bắt hải sâm

CHÍ ĐẠI 10/07/2015 09:31

Đầu tháng 7, chúng tôi tìm về xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để nghe người dân nơi đây kể về cái nghề lặn bắt “Hải sâm”. Đây là nghề có thể giúp ngư dân giàu nhanh nhưng cũng lắm rủi ro và có khi phải bỏ mạng dưới biển sâu.

Hiểm nguy nghề lặn bắt hải sâm

Chuẩn bị đánh bắt hải sâm ở Hoàng Sa

Mới về từ vùng biển Hoàng Sa sau hơn hai tháng đi lặn bắt hải sâm, tiếp khách trong ngôi nhà khang trang của mình, anh Võ Hải (38 tuổi) chủ tàu QNs 95779 Ts thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu tâm sự: Ở thôn này có hơn 70% người dân làm nghề đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trước khi xuất bến chúng tôi chuẩn bị trên 250 cây đá, gần 3 tạ muối hột. Ngoài ra, còn đem theo lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn cho các bạn lặn trong một chuyến đi đánh bắt hải sâm ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Khác với những nghề khác, ngư dân nghề lặn ra khơi không mang theo lưới chài hay thuyền thúng mà ngư cụ là bình khí oxy, mặt kính, dây dẫn ống khí dài 150 mét, chân vịt, vợt lưới... Chúng tôi thành lập những tổ, đội lặn chuyên nghiệp. Khi bình minh vừa ló dạng trên biển, cũng là lúc từng tốp 7,8 người ngư dân mặc bộ đồ lặn bắt đầu hành nghề cho đến lúc xế chiều. Họ mang theo bình dưỡng khí oxy, đeo kính lặn và gần 5kg chì quấn xung quanh người để tăng độ nặng và xuống sâu nhanh hơn. Mỗi ngày, họ thay phiên nhau lặn từ 3 đến 4 ca. Nếu trúng mánh thì chuyến đi thu tiền trăm triệu cho mỗi người còn gặp hiểm nguy thì có thể mất mạng như chơi.

Anh Hải cho biết: “Bản thân tôi đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề lặn, vui buồn, gian khó đã trải qua, lắm lúc gặp sự cố tưởng chừng phải bỏ mạng nằm dưới sâu thẳm của đại dương. Nghề này cũng rất hấp dẫn, nhiều ca lặn xuống bắt gặp liền hải sâm nằm ẩn núp dưới lớp các cát trắng hay rạn san hồ, hải sâm đang thở phập phồng sủi bọt nước, thế là nhanh tay bắt bỏ vào vợt và giật dây mạnh báo hiệu thì các đồng nghiệp trên bờ dồn hết sức kéo lên. Khi lên trên tàu, hải sâm nhanh chóng được mổ bụng ướp muối hột nhằm để giữ độ tươi lâu cho đến khi chuyển vào đất liền. Nhưng nhiều khi cũng đối diện không ít sự trục trặc như bình khí bỗng dưng ngừng hoạt động, áp xuất dưới biển thay đổi đột ngột, hay dây kéo vướng vào đá và nhiều sự cố khác… lúc đó tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc.

Anh Nguyễn Đức Anh (25 tuổi) một thợ lặn xã Bình Châu cho biết, trong chuyến đi đầu tháng 4-2015, thuyền anh ra lặn bắt ở ngư trường Hoàng Sa, khi vừa mới lặn xuống độ sâu 55 mét thì thấy hải sâm nằm dày đặc, trong chuyến đi đó tàu anh kiếm gần 2 tạ hải sâm, đem về đất liền bán cho các thương lái được trên 1,2 tỷ đồng, trừ các khoản chí phí mỗi bạn lặn cũng kiếm được trên 100 triệu đồng.

Theo thống kế Phòng LĐTB& XH huyện Bình Sơn và Lý Sơn trung bình mỗi năm có 15 vụ ngư dân gặp nạn khi lặn đánh bắt hải sản trên biển, trong đó không ít người phải bỏ mạng hoặc bị các tai biến sống thực vật. Ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: Nghề lặn hải sâm là nghề truyền thống có từ lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở địa phương, đa số người dân đều làm nghề đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nhờ vậy, nguồn thu nhập kinh tế tăng cao, cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, nghề nào cũng có mặt trái của nó và vì cuộc mưu sinh, người ta vẫn phải chấp nhận.

CHÍ ĐẠI