BV Phụ sản Trung ương thành công một ca mổ khó
Chị Đỗ Thị Thoa, Thái Nguyên, 35 tuổi, có tiền sử chửa ngoài tử cung hai lần, đã từng được mổ cắt hai vòi trứng năm 2010. Tháng 5. 2015 vừa qua, chị đến BV Phụ sản Trung ương thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
PGS.TS Vũ Bá Quyết trong khi thực hiện ca mổ sản phụ Đỗ Thị Thoa
Sau 8 tuần, BV Phụ sản Trung ương thấy chị có dấu hiệu phát triển phôi thai nhưng khi siêu âm không thấy có hình thái thai nhi phát triển trong tử cung. Ban đầu các bác sĩ xác định đây là khối chửa ngoài tử cung và tìm cách cắt bỏ khối này. Tuy nhiên, lần mổ nội soi đầu tiên ngày 30-6 không tìm thấy khối chửa. Thấy thai nhi có dấu hiệu tiếp tục phát triển, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV tổ chức hội chẩn, cho bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ phát hiện khối chửa này nằm ngoài tử cung, trong ổ bụng, sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, tại đoạn ngang thận trái. Hiện tượng này, theo các bác sĩ, là rất đặc biệt. Đây là lần thứ 3 trong vòng 30 năm trong nghề PGS Quyết gặp phải.
Ngày 8-7, PGS.TS Vũ Bá Quyết thực hiện ca mổ. Mặc dù khối chửa rất bé, đường kính chỉ vào khoảng hơn 10mm, nằm sát mạch máu như đã nêu trên, không được khâu, không được đốt bằng laze tránh vỡ mạch, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro có thể xảy ra nhưng, kết quả, ca mổ diễn ra thành công và không phải bổ sung cho bệnh nhân lượng máu nào. Chưa được 24h sau đó, vào khoảng trưa 9-7, chị Thoa đã được xuất viện. Ngay sau đó, lượng Bêta hCG giảm xuống chỉ còn 9.000, trong khi đó trước đó chỉ số này lên cao đến 20.000.
Theo BS Nguyễn Huy Tuấn, trưởng phòng công tác xã hội và truyền thông của BV, thông thường khi bệnh nhân có dấu hiệu chửa ngoài tử cung, chỉ cần siêu âm và nội soi là có thể xác định được vị trí khối chửa. Nhưng lần này do đặc thù, nếu người thầy thuốc ít kinh nghiệm khó có thể nghĩ đến giải pháp chụp cộng hưởng từ như PGS Quyết đã áp dụng. Trong sự việc này, tuy bệnh nhân chưa có dấu hiệu hiểm nghèo tính mạng nhưng nếu tình trạng này kéo dài mà không được phát hiện sớm thì khối chửa phát triển có nguy cơ chèn ém mạnh đến tĩnh mạch chủ dưới nói trên, gây khó khăn, nguy hiểm cho ca phẫu thuật sau này.