Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Bảo đảm tự do báo chí
Ngày 10/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.
Ảnh minh họa.
Nguồn: baochi.edu.vn
Nhà nước không kiểm duyệt báo chí
Đó là điểm mới của Luật Báo chí (sửa đổi) lần này được ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết khi nói về những điểm mới của Luật. Theo đó, Luật lần này nói rõ phạm vi điều chỉnh ngay tại Điều 1; đối tượng áp dụng cũng hoàn toàn mới; các loại hình báo chí thì có rút gọn; về chính sách của Nhà nước về báo chí vừa tiếp thu cái cũ nhưng có nhiều cái mới như: chính sách ưu đãi về thuế, phí trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tôn chỉ mục đích đối tượng phục vụ và mô hình hoạt động của cơ quan báo chí. Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Ông Lượng cho biết về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí trong Luật lần này được tách bạch ra làm hai phần gồm: Nghiêm cấm thông tin trên báo chí; và nghiêm cấm thực hiện các hành vi. Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo ông Lượng “đây là điều khó” vì Hiến pháp quy định quyền tự do báo chí nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy Luật phải cụ thể hóa vấn đề này dựa trên tinh thần của Hiến pháp mới. Trong quyền tự do báo chí thì tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
Về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trong đó quy định tiếp nhận và đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và không vi phạm về những nội dung và hành vi bị cấm. “Trường hợp không đăng, phát cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tác giả bằng hình thức đăng thông tin trên báo, gửi thư điện tử, điện thoại, nhắn tin hoặc bằng văn bản khi có yêu cầu”-ông Lượng cho hay.
Quy trách nhiệm cơ quan chủ quản
Nhà báo Hữu Thọ, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Báo chí đang trong giai đoạn phát triển rất phong phú và đa dạng. Hiến pháp mới cũng quy định quyền tự do ngôn luận vì thế Luật Báo chí (sửa đổi) cũng phải đặt ra nhiều vấn đề mới để đảm bảo đúng thực hiện đúng theo đường lối của Đảng, Nhà nước. Hiện một số tờ báo chỉ tập trung vào số phụ vì đó là cái nuôi quân, còn số chính rất nhạt. Số phụ lại thành số chính, trong khi số phụ đang bị lộn xộn.
Ông Thọ cũng đặt ra vấn đề: Chúng ta nói báo chí tuyên tuyền phổ biến chủ trương chính sách, nhưng có chủ trương và chính sách sai thì như thế nào? Ta có tuyên truyền không? Nếu tuyên truyền thì là ngăn chặn lại phản biện, bởi phản biện là góp ý nói lên các ý kiến trái chiều. Do vậy cần thiết kế lại, đồng thời làm rõ khái niệm thế nào là bí mật đời tư? “Ví dụ kê khai tài sản. Tài sản là đời tư, chúng ta công khai tài sản là vi phạm bí mật đời tư. Vì vậy cần giải thích cho rõ khái niệm trên”-ông Thọ nói.
GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng là cơ sở pháp lý tạo ra cơ chế đảm bảo quyền tự do, dân chủ trong hoạt động báo chí. Theo bà Đan, Nhà nước đã không kiểm duyệt thì trách nhiệm phải thuộc về cơ quan chủ quản. Thời gian qua chúng ta hơi dễ cho lãnh đạo cơ quan chủ quản. Vì trách nhiệm chỉ đề cập ở nhà báo hay Tổng biên tập thì đó là những trách nhiệm đương nhiên. Cho nên chúng ta cần suy nghĩ quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan chủ quản khi tờ báo để xảy ra sai sót.
“Tồn tại của báo chí trong thời gian qua chính là do công tác quản lý của cơ quan chủ quản, Tổng biên tập. Sau này phải trông vào năng lực quản lý của cơ quan chủ quản. Tôi thấy các cơ quan chủ quản chỉ xin cho ra tờ báo rồi khoán cho Tổng biên tập. Như vậy là không đúng. Sở dĩ cơ quan chủ quản chính là được Nhà nước ủy nhiệm để kiểm duyệt nội dung, vì Nhà nước không thể đi kiểm duyệt hết nội dung của từng tờ báo. Vì vậy Ban soạn thảo Luật phải suy nghĩ về vấn đề trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng nên trách nhiệm kiểm tra đảm bảo nội dung thông tin trên báo chí đương nhiên phải là trách nhiệm của cơ quan chủ quản” - bà Đan nói.
Có nên thừa nhận báo chí tư nhân?
Vấn đề trên được GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đặt ra. Ông Thuyết phân tích: Điều 14 Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân được công nhận tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; lý do trật tự xã hội; lý do đạo đức xã hội; sức khỏe của cộng đồng.
Theo ông Thuyết: Quyền tự do báo chí là một trong những quyền công dân mà Hiến pháp ghi nhận tại Điều 25 cũng phải được điều chỉnh theo các quy định trên. Tuy nhiên cho đến lần sửa đổi này Dự thảo Luật Báo chí vẫn chưa đưa vào. Khó có thể nói rằng việc hạn chế đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chỉ trong phạm vi các cơ quan của Đảng, Nhà nước là phù hợp với cam kết công nhận tôn trọng bảo vệ bảo đảm quyền con người, quyền công dân tại Điều 14.