Xây dựng những đô thị mới ven sông Hồng: Nới rộng sự chật chội
Bầu không khí ngột ngạt của một TP đông dân đang là sức ép cho các nhà quy hoạch đô thị. Hà Nội mở rộng, nhưng những địa phương nới ra lại không được người dân đón nhận, vì thiếu nhiều yếu tố “để sống”. Bởi vậy, dự án “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” đang đón nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Ven sông Hồng.
Theo dự án, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 11 quận, huyện là Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng và Gia Lâm, với tổng diện tích 10.988 ha. |
Xây dựng những đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng đã không còn là ý tưởng khi mới đây Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Viện Nghiên cứu Định cư con người Hàn Quốc đã đưa ra những “đầu bài” có tính khả thi rất cao, hướng tới sự phát triển bền vững. Những không gian đô thị xanh, sạch, đẹp, kết hợp những giá trị bảo tồn cũ và mới, nằm trong quần thể hệ thống sông Hồng, tạo sự liên kết trên bộ, dưới thủy, là sự đột phá mạnh mẽ, cần thêm cho TP Hà Nội.
Ông Lê Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Dự án “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” được bắt đầu triển khai từ tháng 9/2014.
Theo Dự án, phạm vi không gian nghiên cứu là thuộc hai bờ sông Hồng, đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Thăng Long, với chiều dài khoảng 11km, diện tích khoảng 3.000 ha. Mục đích của Dự án là đề xuất những chiến lược để phát triển hai bên bờ sông Hồng, đưa ra phương hướng quy hoạch và quản lý cảnh quan của khu vực cũng như đề xuất triển khai các dự án cụ thể như các khu đô thị xanh, đô thị vệ tinh, hướng tới sự phát triển cân bằng, bền vững, phù hợp với mục tiêu quy hoạch chung của TP Hà Nội.
“Dự án đang lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, đặc biệt là các chuyên gia, hội chuyên ngành nghiên cứu về đô thị Hà Nội. Các nhà hoạch định kỳ vọng, chiến lược phát triển đô thị ven sông sẽ là xây dựng các đô thị mới, hồi sinh các khu đô thị cũ. Nạo vét sông, xử lý nước thải, đập tràn, kết hợp giao thông trên bộ, dưới thủy, hình thành những khu vực sống lý tưởng, giống với những thành phố Hàn Quốc đã thành công”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trên thực tế, thủ đô Hà Nội khá giống với Hàn Quốc trước đây, đó là một sự phát triển ồ ạt, nhưng thiếu và yếu những chiến lược “dài hơi” cho một TP hiện đại đúng nghĩa. Sau thập kỷ 80 thế kỷ trước, Hàn Quốc đã thực hiện một chiến lược “Phục hưng sông Hàn”, với mục đích bảo tồn những giá trị, sự nguyên bản của sông Hàn, đồng thời kết nối các khu đô thị, các dải công viên, cây xanh giữa bờ bắc với bờ nam sông Hàn. Bao gồm với đó là sự dãn dân cho khu vực thủ đô, xác lập khu dân cư, các khu công nghệ cao, khu hành chính, tạo mối giao thoa giữa các tiểu đô thị với các đô thị lớn.
TP Hà Nội cũng tương tự, bầu không khí ngột ngạt của một TP đông dân đang là sức ép cho các nhà quy hoạch đô thị. Hà Nội mở rộng, nhưng những địa phương nới ra lại không được người dân đón nhận, vì thiếu nhiều yếu tố “để sống”. Quan trọng hơn cả, trung tâm thủ đô Hà Nội vẫn là “cơ hội” để người dân kiếm tiền, khi tập trung hầu hết các “giá trị” về tư liệu sản xuất. Mở rộng đô thị ven sông, sẽ hút người dân về tới các giá trị “sống” mới, nới rộng sự chật hẹp và TP Hà Nội đang phải đương đầu.
Dự án đặc biệt quan tâm đến các tài nguyên của khu vực như sông, cầu, các di tích lịch sử... TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội cho biết, tùy vào vị trí địa lý và điều kiện đô thị, kinh tế từng khu vực để đưa ra những phương án phát triển cụ thể. Như khu vực Yên Phụ, mục tiêu có thể tái thiết. Hay khu vực Tàm Xá mục tiêu là phát triển đô thị mới.
“Tất nhiên, với một đại dự án tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng, cần xác lập những nội dung cặn kẽ tới từng chi tiết, mới có sự đồng bộ nhất định và đạt tính hiệu quả và hợp lý cao. TP Hà Nội và các TP của Hàn Quốc tuy có nét tương đồng về điều kiện vị trí địa lý. Nhưng với những tính “đặc thù” chỉ có riêng Hà Nội, đi vào từng chi tiết mới là sự quan ngại”, TS Nghiêm nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm quy hoạch kiến trúc 4 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) việc xây dựng các đô thị ven sông, với TP Hà Nội có thể chuyển đổi từ mô hình đô thị hiện nay sang thế hệ đô thị thứ hai, thứ ba là mô hình đô thị sinh thái thiên nhiên và tự cung ứng được việc làm. Thực tế, khu vực sông Hồng và các đô thị cũ thiếu mất sự liên kết với các đô thị mới. Theo các quy hoạch hiện nay của Dự án, thay vì chỉ dành sự quan tâm đặc biệt cho các yếu tố cảnh quan, sẽ xây dựng thêm các khu vực đô thị tạo sự kết nối giữa đô thị cũ với đô thị mới. Quan trọng là người dân sẽ được hưởng lợi từ quy hoạch của Dự án.
Được biết, các quy hoạch thuộc Dự án “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” đang trong quá trình lấy ý kiến để báo cáo UBND TP trong năm 2015.