Mật ong rừng Minh Hoá

Xuân Thi 11/07/2015 15:00

Nắng hạ như rải mật khắp chốn núi non ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ngay từ những ngày tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, người dân ở các xã Trung Hóa, Xuân Hóa, Hóa Hợp… lại chuẩn bị dụng cụ, lương thực để đi lấy mật ong rừng. Họ hầu hết là những thanh niên, trung niên có sức khỏe dẻo dai, chịu khó và gan dạ.

Men theo các khe suối giữa rừng để tìm tổ mật ong

Mật ong rừng Minh Hóa như là một đặc sản mà thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho con người ở vùng núi non này. “Ai lên Minh Hóa quê mình/ Chè xanh mật ngọt đượm tình quê hương”. Nhưng để có những giọt mật vàng ươm, thơm ngon là cả một quá trình dài kiên trì trèo đèo, lội suối, thử thách tính chịu khó của người dân làm nghề kiếm mật ong rừng nơi đây. Cũng từ những tổ mật ong rừng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.
Sau hơn 1 tuần lặn lội trong rừng để lấy mật ong, anh Cao Văn Khương, ở xã Xuân Hóa người đã có thâm niên trong nghề lấy mật ong rừng kể: Chúng tôi phải vào rừng sâu để tìm kiếm tổ mật nên quãng đường băng rừng, lội suối tương đối xa và vất vả bởi loài ong mật này sinh sống ở những vùng rừng sâu, rú rậm, lèn cao. Chúng thường làm tổ bên dưới những cành cây lớn nằm ngang hoặc ở những hốc núi cao dựng đứng. Theo kinh nghiệm của anh Khương thì người đi rừng tìm tổ ong mật không tìm thẳng tổ ong trên cây mà họ tìm những nơi có đầm lầy, khe cạn. Bởi ở đó, có con ong thợ đi ăn heng (thức ăn tanh), còn gọi là “ong chấm”. Thường khi tổ ong có mật là con ong thợ đi ăn heng, ăn xong là bay thẳng về tổ chứ không bay đi hút nhụy hoa nữa. Công đoạn này gọi là dòm (nhìn) ong.

Kết quả của chuyến đi tìm mật ong rừng về của anh Cao Văn Khương, ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa)

Khi nhìn ong, một người đứng dưới nhìn theo một vài con ong ăn heng, một người trèo lên cây cao, thoáng để nhìn đón. Hễ người dưới đất hô: “Lên!” thì lập tức người trên cây phải chú ý hướng con ong bay lên và rẽ về phía nào. Người tinh mắt nhiều khi nhìn thấy con ong thợ ăn heng xong bay thẳng vào tổ.
Tìm được tổ ong, người thạo nghề biết ngay tổ có mật hay mới đến ở. Nếu tổ chưa có mật thường phình to ở giữa. Lúc đó, người ta lại sát gốc cây có tổ ong, tìm cây dây leo, buộc vo tròn cành lá lại như nắm tay chỉ thẳng lên tổ ong gọi là nêu. Nêu có tác dụng báo cho người đến sau biết rằng tổ ong này đã có chủ.

Thường người đi rừng tìm tổ ong mật không tìm thẳng tổ ong trên cây mà họ tìm những nơi có đầm lầy, khe cạn. Bởi ở đó, có con ong thợ đi ăn heng (thức ăn tanh), còn gọi là “ong chấm”. Thường khi tổ ong có mật là con ong thợ đi ăn heng, ăn xong là bay thẳng về tổ chứ không bay đi hút nhụy hoa nữa. Công đoạn này gọi là dòm (nhìn) ong.

Còn anh Đinh Đức Thiện (45 tuổi, ở xã Hóa Hợp) chia sẻ: Tổ ong có mật thì thường trải dẹp phần thân, còn phần đầu- nơi chứa mật thì to bầu. Lại gần tổ mật ong, nghe tiếng ong quạt cánh vu vu. Theo kinh nghiệm của anh em đi rừng thì đầu càng to thì mật càng nhiều.
Hầu hết các công đoạn để lấy mật ong rừng được các người thợ chuẩn bị cẩn thận, trong đó cái ỏn là vật dụng đặc biệt quan trọng nên được làm khá kỳ công. Đầu tiên là tìm những cành củi khô, bó tròn lại rồi dùng lá tươi bó phía ngoài. Khi củi cháy bên trong táp vào lá tươi sẽ tạo khói nghi ngút mà không có ngọn lửa. Người ta dùng khói để xua ong chứ không phải dùng ngọn lửa để đốt ong. Khi người thợ phụ buộc đầy (dây thang) xong, thì người trưởng nhóm đứng trang nghiêm khấn Bản thố (thổ địa) cầu xin mọi việc được diễn ra êm đẹp và sẽ có lễ tạ. Khấn xong, người trưởng nhóm vai đeo ỏn, lưng mang thùng, miệng ngậm lẹm theo đầy trèo lên cây đến tổ ong.

Anh Đinh Đức Thiện ở xã Hóa Hợp đưa mật ong rừng xuống bán ở chợ Quy Đạt

Sau khi cắt xong phần chứa mật, người téng ong mới lần lượt cắt lấy nghé (phấn hoa và tờng con ong non rồi dùng dây hạ gùi hoặc mang vào vai theo đầy (dây buộc) mà tụt xuống.
Bước kế tiếp là người nhóm trưởng chặt lá trải ra chỗ đất bằng phẳng rồi bỏ toàn bộ sản phẩm kiếm được để cúng tạ ơn thần Bản Thổ. Đó là những điều cơ bản mà bất kì một người thợ téng ong nào ở Minh Hóa cũng phải biết, phải làm được nếu muốn có nguồn mật ngọt của thiên nhiên ban tặng.
Bên chén chè xanh pha thêm mật, là thức uống bổ dưỡng vào những ngày hè nóng bức, ông Đinh Minh Giá, (75 tuổi, ở xã Trung Hóa) người được mệnh danh là bậc thầy trong nghề lấy mật ong rừng chia sẻ: “Ong rừng có 4 loại có mật: Loại nhỏ như con ruồi không biết đốt gọi là ong tu mu. Loại này chủ yếu ở bộng cây, ít mật, tổ nhiều nhất chỉ khoảng 2 lít. Mật ong tu mu màu vàng tươi, hơi chua nhưng đặc biệt quý bởi không những có tác dụng bổ dưỡng mà còn là thứ thuốc đặc trị bệnh kiết lị, đường ruột. Loại mật này, ai có chỉ cất trong nhà dùng làm thuốc chữa bệnh. Loại thứ hai là ong mèn mẹn, lớn hơn ong tu mu một chút, đốt không đau, cũng làm tổ như ong mật. Mật ong mèn mẹn ít nhưng rất ngọt và rất bổ. Loại thứ ba là ong bộng. Loại ong này to hơn ong mèn mẹn nhưng lại nhỏ thua ong mật, chuyên làm tổ ở bộng cây, hang đá, hốc đất, có nhiều tầng. Từ lâu đã được con người bắt về nuôi tại nhà, mật cũng rất ngọt và bổ, lại khá nhiều. Một tổ trét mật có thể đạt gần 5 lít. Nhưng ba loại ong trên ở rừng thường hiếm gặp. Loại thứ tư là ong mật, loại này khá nhiều bởi nó phân bổ, sinh sống khắp nơi trong rừng.
Những ngày này, người làm nghề kiếm mật ong rừng Minh Hóa lại lập nhóm để đi tìm mật. Họ mang theo cơm gạo và đồ dùng cá nhân để ở lại trong rừng có khi mười ngày, nửa tháng mới về. Đoàn nào may mắn thì có được mỗi người từ 15 đến 20 lít (khoảng 20 đến 30 chai 700ml). Mỗi lần họ đi rừng kiếm mật về, bạn bè trong xóm đều được mời uống nước chè xanh pha mật. Rồi mỗi người được biếu một ít nghé (phấn hoa) để ngâm rượu tẩm bổ. Bên chén chè xanh mật ngọt, nghề lấy mật ong rừng lại được chia sẻ những kinh nghiệm quý.

Xuân Thi