Di dân tái định cư thủy điện: Một số nơi chưa làm tốt

Lục Bình (thực hiện) 12/07/2015 11:00

Đồng bào ở những vùng di dân tái định cư của các dự án thuỷ điện không đơn giản là dân cư bình thường, họ đã hy sinh lợi ích của riêng họ cho những mục đích lớn lao của đất nước, phải trân trọng những đóng góp của họ, Phó trưởng Ban Dân vận TW Thào Xuân Sùng đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Di dân tái định cư thủy điện: Một số nơi chưa làm tốt

Ông Thào Xuân Sùng

PV: Thưa ông trong các cuộc di dân tái định cư, để người dân nhường đất cho các công trình thủy điện, bao giờ cũng nhận được những lời hứa: Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhưng thực tế có nhiều nơi không được như vậy?

Ông Thào Xuân Sùng: Có thể nói, Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án tái định cư thuỷ điện. Chủ trương đã nói rõ: đầu tư cho đồng bào tái định cư có cuộc sống ở nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ. Tốt hơn cả về nơi ở lẫn nơi sản xuất. Đây là tư tưởng chỉ đạo rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương là vậy, nhưng ở khâu tổ chức thực hiện thì chưa được như mong muốn.

Có một số cấp ủy, UBND các cấp, ban quản lý dự án tham mưu, tổ chức tái định cư làm chưa tốt, nếu không nói là chưa vì dân. Cho nên, hiện nay có một số vùng, khu tái định cư, đồng bào thiếu những điều kiện cần thiết để sinh sống.Chẳng hạn, đất xấu và ít hơn nơi ở cũ. Nơi ở mới thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới ẩm.Thậm chí thiếu cả điện.Có một nghịch lý đó là không ít đồng bào vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc mà mình lại thiếu điện. Hay chủ trương tái định cư cũng nói rõ, để người dân an cư ở nơi ở mới cần rất nhiều điều kiện, trong đó rất cần những cán bộ có kiến thức về kinh tế, hướng dẫn cho đồng bào làm ăn, sinh sống thì đồng bào đã không nhận được sự trợ giúp này…

Thời gian qua, Ban Dân vận TƯ đã tổ chức các cuộc giám sát các khu tái định cư thuỷ điện.Cá nhân tôi thấy rằng cuộc sống bà con rất khó khăn. Để tìm rõ lý do vì sao cuộc sống của người dân tái định cư không những không hơn nơi ở cũ mà thậm chí cuộc sống hiện tại thiếu thốn mọi bề, chúng tôi đã đi tìm ban quản lý dự án thì không tìm thấy họ. Chúng tôi cũng tìm lãnh đạo một số UBND thì đều nhận được câu trả lời: Dự án của nhiệm kỳ trước, họ không nắm được. Nói một số dự án di dân tái định cư thủy điện “đem con bỏ chợ” thì hơi quá, nhưng thực tế hiện nay có một bộ phận đồng bào muốn trở về quê cũ vì lời hứa của chính quyền với đồng bào đã không được thực hiện.

Thưa ông, trong các dự án đều quy rõ trách nhiệm của từng đơn vị nhưng rút cục thì cuộc sống ở nơi ở mới đã không được như trước, rõ ràng khâu giám sát hậu di dân đã quá lỏng lẻo?

- Tôi nghĩ, vấn đề di dân tái định cư của các dự án thủy điện cần được MTTQ, các đoàn thể giám sát.Tôi cho rằng UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tổ chức, chỉ đạo MTTQ các cấp tổ chức giám sát hậu di dân tái định cư các công trình thủy điện. Giám sát ở đây không giống giám sát của QH, HĐND mà giám sát bằng phương thức của Mặt trận đó là ba bám, bốn cùng với bà con mới nắm được chính xác tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mới phản ánh được chân thực, sinh động cuộc sống khốn khó của đồng bào ở nơi ở mới (nếu có) để kiến nghị đưa ra những giải pháp buộc những người có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc dự án, tháo gỡ khó khăn cho bà con. Có làm được như vậy thì bộ phận nhân dân yếu thế này sẽ được chăm lo lợi ích mà lẽ ra người ta phải nhận được sớm hơn.

Trong các chủ trương chính sách của Đảng đã nói rõ vị trí của đồng bào dân tộc rồi. Đồng bào dân tộc thiểu số không đơn giản là dân cư bình thường, họ đã hy sinh lợi ích của riêng họ cho những mục đích lớn lao của đất nước phải trân trọng những đóng góp của họ. Trong các chính sách phải nắm rõ, trình độ canh tác của đồng bào thấp, chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy thì diện tích đất đai phải đảm bảo quy mô diện tích nhất định.Đồng thời phải dạy nghề cho bộ phận cư dân tái định cư, tạo công ăn việc làm…tất cả những điều này cần được giám sát chặt chẽ để người dân được hưởng cái mà họ đáng được hưởng.

Thưa ông, bài học gì cần được rút ra để ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư, chính quyền địa phương tại các dự án di dân tái dịnh cư để không tái diễn câu chuyện,“nhường đất làm công trình thủy điện mà bà con lại không có điện”?

- Đối với các công trình di dân thủy điện Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thường khi các đoàn ĐBQH, HĐND tổ chức giám sát và phản ánh kết quả và kiến nghị với cấp ủy cùng cấp, cấp ủy cùng cấp ra văn bản chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục ngay. Theo đó, UBND sẽ thông qua ban quản lý dự án, các sở, ban ngành, cơ quan chức năng phải tiến hành khắc phục báo cáo với cấp ủy. Thứ 2, nếu chưa đến mức tiến hành thanh tra nhưng rõ ràng, sự kiểm tra, giám sát của cấp trên, của TW cũng có giá trị đôn đốc với cấp dưới, vì tất cả mọi việc liên quan đến dân đều của địa phương.

Để chính sách được ban hành rõ ràng, TW đều lấy ý kiến địa phương, địa phương đồng ý mới ban hành thì hà cớ gì địa phương không thực hiện nghiêm túc, không giám sát các ban quản lý dự án? Các dự án khi được phê duyệt đều nói rõ, ban quản lý dự án giúp Chủ tịch tỉnh đôn đốc thực hiện, còn chủ đầu tư, công ty có công trình là bên B đã ký kết rồi thì phải thực hiện. Giờ giữa ban quản lý dự án và chủ đầu tư mối quan hệ này phải được xem xét có thực hiện đúng trách nhiệm của mình không? Nói chung, UBND trên địa bàn có dự án phải có trách nhiệm giám sát 2 đối tượng này. Nếu chúng ta làm rõ trách nhiệm, đôn đốc hai cơ quan này dĩ nhiên người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách mà TƯ đã ban hành.

Những vấn đề này đã có thông tư hướng dẫn rồi, không có lí do gì không thực hiện nghiêm túc, không xét đến cùng là trách nhiệm của cán bộ đối với dân. Mình đã vận động họ di chuyển chỗ ở nhường đất cho công trình phục vụ cho lợi ích quốc gia mình đã hứa phải thực hiện, nếu không thực hiện thì đừng hứa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình (thực hiện)