Long An: Gần 20% tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại
Theo Chi cục Thú y Long An, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Long An đã thả nuôi tôm trên diện tích gần 3.400 ha, chiếm 56,7% so với kế hoạch thả nuôi 6.000 ha và bằng 135% so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 678 ha, chiếm 19,9% so với diện tích thả nuôi toàn tỉnh.
Hiện nay diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tại Long An chiếm gần 20% so với diện tích thả nuôi toàn tỉnh.
Trong đó, diện tích thiệt hại do bệnh đốm trắng là hơn 24,49 ha, hội chứng hoại tử gan tụy cấp là hơn 41 ha, và diện tích tôm thiệt hại chưa xác định được nguyên nhân (nghi sốc môi trường) là hơn 612 ha. Đến nay, các cơ quan chức năng địa phương đã hỗ trợ hơn 17 tấn Chlorine cho 107 hộ với 48,85 ha tôm nuôi bị dịch bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp là do trong 3 tháng đầu năm do nắng nóng gay gắt của cao điểm mùa khô, kéo dài và gay gắt, nhiệt độ tăng cao, độ chênh lệch ngày và đêm lớn khiến tôm không thích nghi kịp, sau đó thời tiết mưa nhiều và kéo dài làm tôm chết nhiều nhất là bệnh đốm trắng, bệnh do môi trường, ao nuôi thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc và chết, đa số các ao nuôi không có ao lắng. Tôm chết chủ yếu do sốc môi trường và bệnh đốm trắng và Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, tôm chết tôm thẻ ở giai đoạn 11-45 ngày, tập trung ở 4 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ.
Chi cục Thú y Long An cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do công tác quản lý chất lượng tôm giống chưa thống nhất và chặt chẽ giữa các tỉnh xuất và nhập giống. Mỗi tỉnh có chủ trương quản lý giống riêng không có sự thống nhất chung theo quy định. Trong khi đó, nông dân mua các loại tôm giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch tại địa phương. Khi xảy ra hiện tượng tôm chết, người dân không khai báo để được hỗ trợ hóa chất tiêu hủy, xử lý mầm bệnh mà âm thầm xả thải ra môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, do việc thả nuôi liên tục, không ngắt vụ nên mầm bệnh luôn tồn lưu trong vùng nuôi và do thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường nên dịch bệnh trên tôm đã xuất hiện thường xuyên trong vùng nuôi. Chưa có sự phối hợp quản lý tốt giữa chính quyền địa phương và người nuôi trong công tác quản lý giống và chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Hóa chất chlorine chống dịch không đủ nên có một số hộ có tôm bệnh xã bỏ nước ra ngoài không xử lý làm lây lan dịch bệnh.