Tương lai chợ Long Biên sẽ thế nào?
Những ngày gần đây, dư luận xã hội rất nóng với thông tin chợ đầu mối Long Biên nằm trong danh sách bị xóa bỏ theo quyết định của Bộ Công thương. Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ Công thương cũng đã lên tiếng đính chính về quyết định này, rằng sẽ không “xóa sổ” chợ Long Biên như báo giới đưa tin. Tương lai chợ Long Biên sẽ thế nào? Có cần thiết phải di dời hay không, Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội các siêu
Ông Vũ Vinh Phú
Thời gian qua, dư luận xôn xao với thông tin chợ đầu mối Long Biên có thể bị loại bỏ. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về số phận của hàng ngàn người dân đã buôn bán hàng chục năm nay ở trong chợ? Ý kiến của ông về sự việc này, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Một thành phố, đô thị hiện đại không thể không có chợ đầu mối. Sài Gòn đã có chợ đầu mối cách đây cả chục năm và vẫn đang hoạt động rất hiệu quả. Ở Hà Nội hiện nay, tiếng là có chợ đầu mối nhưng hoạt động chưa đúng nghĩa là chợ đầu mối. Đơn cử, chợ đầu mối Long Biên hay chợ đầu mối Đền Lừ … mặc dù trên danh nghĩa là chợ đầu mối nhưng đã xuống cấp trầm trọng, cơ sở hạ tầng xập xệ, thiếu hệ thống xử lý nước thải, bãi để xe nhếch nhác. Chợ hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường xung quanh…
Việc quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ để đảm bảo mỹ quan đô thị, lưu thông hàng hóa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội là việc làm cần thiết. Tuy nhiên vấn đề ở đây là Nhà nước thực hiện di dời thế nào, cải tạo thế nào cho hợp tình hợp lý, nhận được sự đồng thuận của người dân, chứ không nên làm theo kiểu mệnh lệnh, chủ quan mà không quan tâm đến thái độ, số phận của những người đang buôn bán trong chợ.
Như ông vừa nói, chợ đầu mối Long Biên hay Đền Lừ chỉ có “danh nghĩa” là chợ đầu mối chứ không hoạt động hiệu quả như một chợ đầu mối thực sự. Vậy theo ông, một chợ hoạt động đúng nghĩa là “chợ đầu mối” cần phải đảm bảo những tiêu chí gì?
Một chợ đầu mối hiện đại, hoạt động đúng công năng, hiệu quả phải là một chợ có diện tích lớn, ít nhất từ 20ha trở lên, ở đó cơ sở hạ tầng, đường đi, bãi để xe được thiết kế hiện đại, tiện nghi, tạo thuận lợi cho các phương tiện ra vào chợ mua bán. Đặc biệt, chợ đầu mối không thể thiếu khu xử lý nước thải và trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm để kiểm soát mức độ an toàn của các sản phẩm hàng hóa được đưa vào chợ.
Tôi đã có dịp được đi thăm một chợ đầu mối của Thái Lan, ở đó, có trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm được thiết kế hiện đại với đội ngũ 7 kỹ sư chuyên đảm nhiệm chức trách về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của chợ. Như vậy, người tiêu dùng mới yên tâm đến mua hàng hóa tại chợ. Chứ không phải xây dựng chợ lên nhưng người mua vẫn phải lo không biết rau có an toàn hay không, thực phẩm có bị bơm hóa chất hay không…
Chợ Long Biên
Hiện nay, kể cả khi đã có thông báo chính thức của Bộ Công thương rằng sẽ không xóa sổ chợ đầu mối Long Biên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về “số phận” của chợ này, theo ông, tương lai chợ Long Biên sẽ ra sao?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, chợ Long Biên không thể “xóa sổ”, mà Nhà nước nên cải tạo chuyển đổi thành chợ dân sinh. Hà Nội rất cần chợ đầu mối hoạt động đúng nghĩa, nhưng cũng không thể thiếu chợ dân sinh vì phần lớn người dân Việt Nam vẫn mua bán theo cách truyền thống, nên chúng ta vẫn cần những chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Do đó, chợ Long Biên dù không còn công năng là chợ đầu mối nữa nhưng vẫn cần cải tạo để hoạt động như một chợ dân sinh.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều quyết định của nhà quản lý chỉ dựa trên ý kiến chủ quan, thiếu tính thực tiễn nên không đạt được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Đối với vấn đề quy hoạch chợ là một ví dụ, vừa “trình diện” đã nhận được hàng loạt ý kiến bất đồng. Ông có thể cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, khi nhà quản lý có quyết định xây dựng chợ đầu mối và di dời các chợ đầu mối hiện nay, cần phải nói rõ cơ chế xây dựng thế nào. Tôi cho rằng, vấn đề xây dựng chợ đầu mối, Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm đầu tư chứ không nên để các nhà đầu tư tham gia, sẽ dẫn đến thực trạng nhà đầu tư vì quyền lợi của mình sẵn sàng ép giá thuê lên đầu người dân. Bài học rất rõ ràng từ các chợ lớn, các trung tâm thương mại hiện đại xây dựng lên rồi bỏ trống vẫn còn nguyên giá trị.
Thêm vào đó, tôi cho rằng, khi quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến lợi ích của người dân, đặc biệt, chợ Long Biên hiện nay là nơi mưu sinh của hàng ngàn dân nghèo, chúng ta rất cần phải tôn trọng ý kiến của họ. Không thể vì ý kiến chủ quan của mình, đưa ra quyết định mà không quan tâm đến ý kiến của dân ra sao. Như vậy, tất yếu sẽ dẫn đến sự bức xúc, không đồng thuận trong dân.
Kể cả khi xây dựng, cũng cần phải có sự tham gia giám sát của dân để tránh những tiêu cực đáng tiếc có thể xảy ra. Nhiều công trình xây dựng cơ bản của nước ta đã “dính” tiêu cực chỉ vì để người dân ở ngoài cuộc. Tôi cho là, đối với bất kỳ một quyết định nào cũng vậy, nhà quản lý nên tôn trọng ý kiến của dân, chứ chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để gây áp lực cho dân.
Xin cảm ơn ông!