Trung Quốc phá hang ổ cung cấp thịt bẩn có tuổi đời hàng thập kỷ
Sau hàng loạt các vụ bê bối an toàn thực phẩm như gạo plastic, quả óc chó có chứa bê tông ở trong, thịt lợn giả thịt bò… chính quyền Trung Quốc mới đây lại phá thêm một ổ cung cấp thịt bẩn có tuổi đời 30-40 năm.
Chân gà bẩn có xuất xứ từ những năm 1970.
(Nguồn: SCMP)
Các quan chức ngành an toàn thực phẩm Trung Quốc đã thu giữ được trên 100.000 tấn thịt, với tổng trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ (484 triệu USD), trong đó gồm chân giò lợn có xuất xứ từ năm 1970 và cánh gà từ năm 1980. Khi thông tin này xuất hiện trên mạng, rất nhiều người dân nước này đã bày tỏ sự bức xúc và lo ngại về an toàn thực phẩm trong nước.
Chỉ riêng ở tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đã thu giữ được đến 800 tấn thịt bẩn không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 10 triệu Nhân dân tệ. Kết quả của chiến dịch truy quét thịt bẩn có quy mô trên toàn quốc vừa kết thúc vào đầu tháng 6 có tổng cộng 21 băng nhóm buôn lậu thịt bẩn ở 14 tỉnh đã bị phát giác, trong đó 2 băng tại tỉnh Hồ Nam - nơi khoảng 800 tấn thịt được tìm thấy trong đợt truy quét gần đây nhất và 20 nghi phạm bị bắt giữ.
Theo lời một cán bộ hải quan Trung Quốc, một phần trong số thực phẩm đông lạnh này được chế biến từ gia súc, gia cầm ốm và một phần có bao bì ghi thời hạn từ những năm 1970, tính ra tuổi đời của chúng đã phải hơn 40 năm tuổi. Số khác đã thối rữa và đang trong quá trình phân hủy.
Theo SCMP, các nhà quản lý đã thu giữ số lượng thịt thối đông lạnh được đóng bao bì có ghi nhãn mác nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc. Rất có thể các băng nhóm buôn lậu đã mua nhiều thịt cũ, thối rữa ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào Trung Quốc.
Thịt thối trong các kho đông lạnh sẽ được nhóm buôn lậu phân phối đến nhiều thành phố trong nội địa và cả ra bên ngoài. Thịt thối đông lạnh không rõ nguồn gốc này được đưa vào thị trường bán buôn, nhập vào các quầy hàng thực phẩm, nhà hàng, và thậm chí cả các siêu thị.
Trước khi đưa vào thị trường, thịt thối đông lạnh được xử lý tẩy mùi và “phù phép” bên ngoài như tươi mới. Chúng được đưa đến các nhà hàng và qua chế biến tẩm ướp gia vị, nước màu rồi nấu chín làm cho cho người tiêu dùng ăn mà không thể phát hiện ra.