Lãnh đạo châu Âu muốn Hy Lạp rời Khu vực đồng tiền chung
Châu Âu đã phải căng mình nỗ lực trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều năm qua khi hàng loạt lãnh đạo của khối này gặp gỡ ở Brussels hôm cuối tuần để thảo luận nhằm đưa ra quyết định có nên tiếp tục níu kéo Hy Lạp trong Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.
Chưa bao giờ khả năng Hy Lạp phải rời Eurozone lại cao như ở thời điểm hiện tại.
(Nguồn: DW)
Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã có cuộc họp hôm cuối tuần nhằm đặt được một thỏa thuận về đàm phán gói cứu trợ tín dụng thứ 3 cho Hy Lạp sau khi thất bại trong việc đưa ra một Dự thảo tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng nợ công ở nước này.
Lãnh đạo tài chính một số nước như Đức, Phần Lan trước đó đã bác bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới mà chính quyền Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra, và lần đầu tiên công khai thúc giục việc nên để cho Hy Lạp vỡ nợ mà ra khỏi Khu vực đồng tiền chung. Đây được coi là một đòn giáng mạnh vào Chính phủ Hy Lạp sau khi nước này đã đưa ra các biện pháp mới vào phút chót.
Phương án đầu tiên mà các nhà lãnh đạo đang cân nhắc là Hy Lạp sẽ phải chuyển giao toàn bộ quỹ tài sản trị giá 50 tỷ Euro để bán lấy tiền trang trải nợ. Số tiền này bằng đúng giá trị của gói cứu trợ thứ 3 đang được các Bộ trưởng Tài chính Eurozone xem xét dành cho Hy Lạp. Phương án thứ hai là ngừng tư cách thành viên của Hy Lạp trong Eurozone trong ít nhất 5 năm và cơ cấu lại khoản nợ của Athens.
Mặc dù đề xuất của Đức không được đưa ra thảo luận chính thức tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone hôm 11/7 nhưng lại được trao đổi sôi nổi ở kênh không chính thức. Tuy nhiên, khi được hỏi về đề xuất ngừng tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp trong 5 năm, các Bộ trưởng Tài chính các nước đều từ chối bình luận.
Từ trước đến nay, chưa từng có chuyện các nước đề xuất ngừng tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp, nhưng nay thì khác và việc Grexit – chỉ việc Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung – chưa bao giờ lại có khả năng xảy ra cao đến vậy.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã chỉ trích mạnh mẽ các đề xuất mới của Hy Lạp, cho dù đề xuất này được cho là đang kéo quan điểm của Athens và các chủ nợ xích lại gần nhau. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, nhà chức trách Hy Lạp cần làm nhiều hơn việc chỉ tuyên bố mong muốn tiến hành cải cách.
Tại cuộc họp của nhóm Eurogroup vừa kết thúc, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone cũng đã chính thức yêu cầu Athens phải thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn những gì đưa ra trong gói đề xuất mới. Các Bộ trưởng quyết định lùi thời điểm đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp để chờ Chính phủ nước này đưa ra các biện pháp “thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ hơn”.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các biện pháp mà Hy Lạp đưa ra là chưa đủ mạnh và sẽ không thể khiến các chủ nợ hài lòng.
Hy Lạp đang đề nghị các chủ nợ cấp 53,5 tỷ euro (59,5 tỷ USD) để hoàn thành các nghĩa vụ nợ cho đến năm 2018. Tuy nhiên, lượng tiền cứu trợ có thể lên tới 74 tỷ euro do Hy Lạp muốn tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ mà nước này cho là không bền vững. Trong 74 tỷ euro này, 58 tỷ euro có thể do quỹ cứu trợ của EU – Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) cung cấp. Còn 16 tỷ euro còn lại tới từ IMF- một nguồn tin cho biết.
Và khi các cuộc đàm phán vẫn bế tắc, hệ thống tài chính Hy Lạp đã cận kề bờ vực sụp đổ. Ngân hàng đã đóng cửa suốt 2 tuần nay. Giới hạn rút tiền tại ATM cho người Hy Lạp vẫn là 60 euro mỗi ngày, và giao dịch quốc tế vẫn đang bị chặn.