Thực hiện chính sách ưu đãi người có công: Còn nhiều vướng mắc
Nhằm giải quyết những tồn đọng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia kháng chiến, các Bộ, ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn tuy nhiên quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập.
Nguồn: phapluatxahoi.vn
Khó thực hiện
Thông tư liên tịch số 28 ngày 22/10/2013 của Bộ LĐTB & XH và Bộ Quốc phòng (Thông tư số 28) về Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ đã góp phần tích cực trong việc giải quyết những tồn đọng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia kháng chiến. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thông tư này đã bộc lộ một số điểm bất cập.
Tại Quảng Bình, đại diện Sở LĐTB & XH cho biết, nếu chiếu theo những quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 28 quy định về căn cứ xác nhận liệt sỹ đối với ngành LĐTB & XH thì gặp rất nhiều khó khăn. Do đối tượng không có danh sách liệt sỹ lưu tại cơ quan, đơn vị được lập trước ngày 31/12/1994 hoặc không có phần mộ được an táng trong nghĩa trang liệt sỹ và đã gắn bia từ ngày 31-12-1994 trở về trước nên rất khó thực hiện, nhất là các đối tượng thực sự tham gia cáchmạng hy sinh mà không thoát ly, công tác tại địa phương như: cơ sở cách mạng, dân công, cán bộ xã …
“Nếu áp dụng các căn cứ theo quy định tại Điều 3 nói trên thì không thể thực hiện được. Hơn nữa qua thực tế triển khai, thân nhân của những người tham gia cách mạng hy sinh có rất nhiều ý kiến không đồng thuận với quy định về căn cứ xác nhận liệt sỹ theo quy định này” - Bà Vương Thị Kiến Giang, Trưởng phòng chính sách NCC cho biết.
Cũng theo bà Giang, việc quy định căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo Mục a và Mục b, Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 28 đối với những trường hợp như: Cơ sở cách mạng, dân công, cán bộ xã… đến nay, Sở chưa tiếp nhận được hồ sơ nào vì đối tượng không có giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương. Hiện nay địa phương không thể thực hiện được vì thực tế quy định như Thông tư liên tịch số 28 là đã có giấy tờ gốc, trong khi việc xem xét xác nhận đối với những trường hợp như dân công xã tham cách mạng hy sinh mà không thoát ly và mộ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sỹ hoặc bị thương nhưng sau 30/4/1975 không tham gia công tác, không có giấy tờ gì chứng minh quá trình tham gia cách mạng” - Bà Giang nói.
Cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc
Quá trình thực hiện chính sách NCC không chỉ gặp vướng mắc do những quy định tại Thông tư liên tịch số 28 mà nhiều Thông tư được ban hành từ năm 2013 nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn khiến địa phương rơi vào tình trạng lúng túng khi triển khai. Đơn cử theo Mục a, Khoản 2, Điều 31 Thông tư số 05/2013 BLĐTBXH quy định: Bệnh binh mắc thêm bệnh do nhiễm chất độc hóa học thì Sở LĐTB & XH giới thiệu đi giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp bệnh binh theo quy định tại Mục a Khoản 5 Điều 26 của Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn về việc giám định tổng hợp nên tỉnh Quảng Bình chưa thực hiện được gây tồn đọng trên 200 hồ sơ.
Bên cạnh đó, Thông tư số 05 cũng không hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời là bệnh binh, có mắc thêm bệnh do phơi nhiễm chất độc hóa học theo Danh mục bệnh, tật quy định hiện hành nên địa phương cũng không có cơ sở để thực hiện.
Thực tế không chỉ riêng tỉnh Quảng Bình rơi vào tình trạng lúng túng khi triển khai chính sách NCC mà rất nhiều địa phương trong cả nước cũng chung tình cảnh này. Tại Hội nghị chuyên đề về chính sách ưu đãi NCC mới đây do Bộ LĐTB & XH tổ chức nhiều địa phương cũng phản ánh, chính hệ thống văn bản chồng chéo, có một số điểm mâu thuẫn nhau; một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai gặp khó khăn như chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp...
Cụ thể, chưa có hướng dẫn với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đồng thời là người mất sức lao động mà bị mắc bệnh, hoặc sinh con dị dạng, dị tật thì có được xem xét giải quyết chế độ chất độc hóa học không và giải quyết hưởng chế độ như thế nào. Đối tượng là quần chúng nhân dân đã tham gia ủng hộ, nuôi giấu cán bộ cách mạng mà bị bắt tù, đày thì cần có xem xét và hướng dẫn thủ tục, hồ sơ ra sao để xác nhận...
Theo đại diện Sở LĐTB & XH tỉnh Đồng Nai, theo quy định tại Nghị định số 31 và Thông tư số 05 thì trường hợp hưởng chế độ tù đày được trả trợ cấp theo tháng. Nhưng có trường hợp vừa mới làm hồ sơ được hưởng thì chưa nhận được tiền truy lĩnh trong khi có trường hợp làm hồ sơ trước thì được hưởng cả tiền theo tháng và truy lĩnh, dẫn đến sự bất công giữa các đối tượng. Điều đó gây nên sự thắc mắc, phiền lòng của một số người.
Bên cạnh đó, việc ủy quyền về thờ cúng liệt sĩ, ký giấy xác nhận về phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một số trường hợp là anh em trong gia đình không chịu xác nhận nên việc lập hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền phải chi trả cho các trường hợp này thì địa phương cũng lúng túng trong xử lý, vì không thể giao trực tiếp cho đối tượng khi còn vướng mắc và cũng không thể giữ lại.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, thiết nghĩ để việc triển khai các chính sách NCC đạt hiệu quả các Bộ, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên để các địa phương có cơ sở triển khai các chính sách được thông suốt.