Mong các cụ sống lâu "để con cháu được nhờ"

Lê Anh Đức 14/07/2015 12:30

Hiện nay, đã nảy sinh một loại con cháu hết sức “có hiếu”, nhưng không phải mong bố mẹ sống để hưởng phúc, mà đơn giản vì sợ mất khoản lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất cao của bậc sinh thành.

Mong các cụ sống lâu

Ảnh minh họa.

Nguồn: Internet

Đạo lý kính dưỡng cha mẹ là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta từ nghìn xưa đến nay. Bất kể ai, phàm là người con có hiếu đều mong muốn bố mẹ trường thọ để hưởng phúc, lộc của con cháu. Song, trong cuộc sống ngày nay, trong một số gia đình giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị đảo lộn. Không ít người con bất hiếu, chỉ mong bố mẹ chóng “chầu trời” để thừa kế gia sản, để đỡ phải chăm khi các cụ bệnh tật nằm liệt giường, liệt chiếu... Đặc biệt, hiện lại nảy sinh một loại con cháu hết sức “có hiếu”, nhưng không phải mong bố mẹ sống để hưởng phúc, mà đơn giản vì sợ mất khoản lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất cao của bậc sinh thành.

Với chính sách đãi ngộ người có công với cách mạng, các bậc lão thành tiền khởi nghĩa, thương binh, quân nhân về hưu... của Đảng và Nhà nước, hiện mức lương hưu của nhiều bác khá cao. Với chi phí giá cả hiện nay, mức lương của các bác không chỉ đảm bảo chi dùng cho bản thân mà còn có thể giúp con cháu ít nhiều. Chính bởi lẽ đó nên đã có không ít gia đình, con cháu lêu lổng trông chờ và sống dựa vào đồng lương hưu của bậc sinh thành. Cả gia đình 5-6 miệng ăn chỉ trông chờ vào mười mấy triệu đồng lương hưu của các bố mẹ nên khi các cụ ốm là đàn con cháu “lo sốt vó”.

Cách đây mấy ngày, có cô kế toán phường Đ.H. kể một câu chuyện thật 100% mà như chuyện tiếu lâm, khiến người viết bài cười ra nước mắt. Số là ở phường của cô có gia đình một bác lão thành cách mạng, năm nay bác đã 85 tuổi. Hàng tháng, hoặc là bà vợ trẻ hơn bác tới 30 tuổi ra lĩnh lương, hoặc là cô kế toán phường lại cầm tiền hộ vào tận nhà. Mặc dù lương của bác tới hơn 13 triệu đồng, nhưng cũng như muối bỏ bể, chi tiêu cũng phải tằn tiện vì bà vợ không có lương, vợ chồng con cái hai con gái đều trông vào suất lương ấy.

Cách đây mấy ngày, bất ngờ ông lão lăn ra ốm. Mà nguyên nhân bác ốm lại do sự chăm chút quan tâm của vợ và con mới bi kịch chứ. Buổi trưa bà vợ vừa cho bác ăn cơm xong, một lát sau cô con gái trưởng về lại “ốp” bác uống thêm vài hộp sữa. Vậy là bác bị sặc sữa vào phổi nên phải vào viện cấp cứu.

Thường ngày hai thằng con rể chỉ đi đánh bạc và lêu lổng, ấy vậy mà khi bác nằm viện, chúng lại năng vào thăm bác có vẻ lo lắng lắm khi thấy tình trạng sức khỏe của bác không tiến triển khá hơn mà có vẻ ngày càng xấu đi. Biết tin, cô kế toán phường mang tiền lương hưu tháng 7 của bác vào tận viện đưa, vừa để thăm bác luôn. Không giấu nổi vẻ lo lắng, bà vợ tâm sự là nếu ông lão có mệnh hệ nào thì gia đình biết sinh sống bằng cách nào đây...

Điều đau lòng là trường hợp của bác lão thàng cách mạng ở phường Đ.H. không phải là cá biệt. Có một bác ở phường P.H. tuổi cũng đã cao và lương tháng cũng cao. Khác với bác ở phường Đ.H., bác này chỉ phải nuôi có thằng con trai, cô con dâu và hai thằng cháu nội đã lớn lộc ngộc nhưng chỉ lêu lổng không có công ăn việc làm gì. Mặc dù đã hơn 80 nhưng bác vẫn tráng kiện lắm nên ít khi ốm đau. Với bản tính tham công tiếc việc nên hàng ngày bác còn bán thêm nước chè để thêm thu nhập nuôi con cháu.

Đột nhiên một hôm bác bị đột quỵ do tắm đêm. Người nhà đưa bác vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sau một tuần chữa trị, bệnh viện cho bác về nhà trong trạng thái liệt toàn thân không thể cử động được. Hàng ngày, anh con trai và cô con dâu vẫn nhẫn nại dọn dẹp và rửa ráy cho bác. Có khách đến chơi thấy vậy khen vợ chồng anh con trai có hiếu, bác cười nhạt: Tôi mà chết thì chúng nó ra đường nhặt lá để sống. Một đêm, bệnh bác bỗng nặng lên và lại phải nhập viện.

Đến sáng, các bác sĩ gọi người con trai và cô con dâu đến bảo đã bó tay, nên đưa bác về nhà chuẩn bị hậu sự. Mới nghe có vậy thôi, cả con trai bác và cô con dâu khóc rống lên, yêu cầu bệnh viện không được ngắt máy thở, cứ để bác sống thêm ngày nào hay ngày ấy. Họ sợ nếu bác chết thì thay vì khoản lương hưu cộng với các khoản trợ cấp của bác sẽ chỉ còn lại 1,2 triệu đồng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, vậy thì họ biết trông chờ vào nguồn nào để sống.

Còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự mà trong khuôn khổ bài viết không thể đưa hết. Nếu thực sự là những người con có hiếu thì ngay cả khi không có điều kiện hay chưa thể giúp đỡ được bố mẹ về vật chất, chí ít họ cũng phải tạo cho các bậc sinh thành một cuộc sống thoải mái về tinh thần chứ không phải để bố mẹ phải còng lưng nuôi họ. Họ chăm chút, quan tâm săn sóc bố mẹ không phải là xuất phát từ lòng hiếu thảo, mà là từ sự sợ hãi mất đi nguồn “sữa mẹ”.

Lê Anh Đức