Không cung cấp thông tin cho báo chí: Cần chế tài
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi hiện đang được Bộ Thông tin - Truyền thông lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 khóa 13, và theo chương trình sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2016. Nhiều ý kiến cho rằng, phải có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, hoặc né tránh, hoặc cản trở báo chí hoạt động.
Phải có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin,
hoặc né tránh hoặc cản trở báo chí hoạt động.
Điều 38 của Dự thảo Luật Báo chí về cung cấp thông tin cho báo chí quy định: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng không cung cấp thông tin cho báo chí.
Báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh. Phải nêu rõ nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đại tá Đỗ Phú Thọ - Trưởng phòng biên tập Kinh tế-xã hội-nội chính, Báo Quân đội nhân dân kiến nghị: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Cần bổ sung thêm chế tài xử lý nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời trên báo chí”.
Trước quy định: “Cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, TS Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban kiểm tra, Đài truyền hình Việt Nam đề nghị cân nhắc kỹ hơn quy định này. Bởi theo bà Tâm, việc bảo vệ nguồn tin là tối quan trọng trong hoạt động báo chí cũng như trong công cuộc chống tham nhũng.
Trong Bộ Luật hình sự Việt Nam, tội phạm nghiêm trọng là tội có mức án được quy định với hình phạt từ 3-7 năm tù. Loại tội phạm này phổ biến trên mọi lĩnh vực như: Sử dụng trái phép tài sản, trốn thuế, cho vay nặng lãi; các tội phạm về tham nhũng. “Phạm vi số lượng các vụ việc buộc phải cung cấp nguồn tin rất lớn với cơ quan tư pháp cấp tỉnh. Khả năng quy định này bị lợi dụng để tìm kiếm người cung cấp thông tin là có và việc bảo vệ người cung cấp thông tin cũng sẽ rất khó khăn”-bà Tâm lo ngại. Bà Tâm cũng đặt vấn đề: Có nên quy định phải cung cấp nguồn tin đối với việc điều tra, xét xử loại tội nghiêm trọng không? hay chỉ nên quy định với loại tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng vì loại tội nghiêm trọng rất nhiều và không phải thuộc loại tội quá khó trong việc điều tra.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở thông tin truyền thông Hà Nội đề nghị, cần quy định cụ thể ở mức độ nào của vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền cung cấp hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi theo ông Khánh, đối với các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng các vụ án hình sự thông thường đang trong quá trình điều tra, truy tố chưa xét xử thì nên cung cấp thông tin cho báo chí.
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là xu hướng hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và internet diễn ra mạnh mẽ nên Luật Báo chí hiện hành đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí.
Theo ông Tiến, Hiến pháp năm 2013 đã một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ. Điều 14 Hiến pháp mới cũng quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Như vậy việc hạn chế quyền tự do báo chí phải được quy định bằng luật. Những quy định này đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí để cụ thể hóa tinh thần và các quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. “Tôi cũng đã nhiều lần đề nghị phải có chế tài nào đó đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, hoặc né tránh hoặc cản trở báo chí hoạt động”-ông Tiến nói.