Ngành điều: Xuất khẩu kỷ lục nhưng vẫn đau đầu

Quang Minh - Lam Hồng 14/07/2015 11:10

Được đánh giá là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu hạt điều, kim ngạch năm 2014 đạt ngưỡng kỷ lục 2,2 tỷ USD và trong 2 tháng đầu năm 2015 ngành điều Việt Nam cũng đang có nhiều khởi sắc. Song, ngành vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém như phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài, phần lớn các doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… những yếu tố đó đang thực sự đe dọa vào sự phát triển bền vững của ngành.

Ngành điều đang đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, hạt điều hiện đã có mặt trên 50 thị trường và không phụ thuộc vào bất cứ thị trường chính nào. Những quốc gia nhập khẩu nhân điều Việt Nam lớn nhất gồm Mỹ 30% thị phần, EU 25%, Trung Quốc 20%...

Việt Nam đã 9 năm liên tiếp đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu điều nhân, 4 năm liên tiếp đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 2014 là năm đầu tiên đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Về diện tích đến năm 2014 cả nước có 294 ngàn ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 287 ngàn ha; năng suất đạt 1,2 tấn/ha, cao hơn năm 2012 chỉ 0,84 tấn/ha; tổng sản lượng đạt 345 ngàn tấn, cao hơn năm 2012 chỉ 264 tấn.

Mặc dù có mức tăng trưởng cao, song ngành điều cũng đang phải đối mặt với một thách thức khá lớn khi phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu lượng điều thô 197,5 ngàn tấn, tăng hơn 175% về lượng so với 4 cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến điều, còn các doanh nghiệp xuất khẩu lại thiếu sự liên kết với các hộ sản xuất do quy mô quá nhỏ lẻ. Do đó, khoảng 70% điều thô bắt buộc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến ở trong nước.

Ông Nguyễn Đức Thanh đại diện Vinacas cho hay, năm nay số lượng doanh nghiệp thu mua điều thô tại Bờ Biển Ngà tăng gấp đôi so với năm 2014, chính vì vậy, cạnh tranh trong thu mua diễn ra gay gắt, làm cho giá thu mua tại vườn tăng. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp điều lớn trên thế giới, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào quá trình thu mua tạm trữ điều tại Bờ Biển Ngà, tạo ra rất nhiều “đợt sóng” không nhỏ cho thị trường. Tại Nigeria, thị trường nhập khẩu điều thô lớn thứ 2 của Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu điều thô năm nay cũng tăng mạnh và cạnh tranh khá gay gắt.

Không chỉ có gặp khó khăn về nguyên liệu mà vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt ra hết sức gay gắt. Thống kê trong số 265 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, có đến 119 cơ sở, doanh nghiệpkhông đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (bị xếp loại C). Có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình với 5-7 lao động, và thường không được đầu tư máy móc, thiết bị nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển, nơi yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao và với tỷ lệ 45% cơ sở, doanh nghiệp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói trên sẽ khiến ngành điều gặp những khó khăn trong thời gian tới.

Không chỉ có nhiều cơ sở, doanh nghiệp xếp loại C, ngành điều cũng đang đối diện với một vấn đề khác là có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân tăng lên rất nhanh nhưng đa phần trong đó là những doanh nghiệp nhỏ. Năm 2014, có 345 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng trong số này, có đến 73% có kim ngạch xuất khẩu chưa đến 5 triệu USD. Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.

Một điểm hạn chế nữa của ngành điều là tỷ lệ tiêu thụ trong nước còn quá thấp, hiện chỉ chiếm 6% còn lại 94% là điểu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu, trong khi thị trường nội địa có sức mua lớn lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức nên một khi gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quang Minh - Lam Hồng