Hết lòng vì người có H

Trần Ngọc Kha 14/07/2015 19:47

Ngày 14-7, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Câu lạc bộ nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống (PC) HIV/AIDS tổ chức hội thảo Gặp gỡ các phóng viên báo chí truyền thông về công tác này tại Thanh Hoá. Tại đây, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục tưởng Cục PC HIV/AIDS lưu ý các nhà báo cần tích cực đi sâu vào tuyên truyền để mọi người hiểu rõ mối nguy hại của tệ nạn tiêm chích ma tuý cũng như sinh hoạt tình dục tuỳ tiện, gây nguy cơ lây nhiễm HIV.

Hội thảo Gặp gỡ các phóng viên báo chí truyền thông về công tác phòng chống HIV/AIDS

Về kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 90 triệu đô la ( khoảng 2000 tỷ đồng) cho công tác PC HIV/AIDS. Hiện nay nguồn lực hỗ trợ của quốc tế đang bị cắt giảm đáng kể. Tuy Chính phủ cố gắng duy trì cung cấp nguồn kinh phí cho công tác này nhưng số này ngày càng hạn hẹp nên vẫn đề nghị các địa phương cần chủ động nguồn lực chung tay giải quyết vấn nạn này. Người lãnh đạo các tỉnh cần phải hiểu việc đầu tư cho công tác PC HIV/AIDS là rất quan trọng và cần thiết - TS Cảnh nhấn mạnh.

Thanh Hoá là một trong 5 tỉnh rộng nhất trên cả nước, đông dân với 8 dân tộc khác nhau và gần 200 km đường biên giới với Lào. Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Thanh Hoá, đây cũng là tình tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV. Kể từ khi có ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1995, đến năm 2008, dịch HIV ở tỉnh Thanh Hoá phát triển đến đỉnh điểm với 771 ca lây nhiễm. Những năm sau đó, nhất là trong 6 năm gần đây, tình hình dịch HIV ở đây có xu hướng giảm cả về HIV, AIDS và số tử vong sau khi có những can thiệp mạnh vào các điểm nóng đặc biệt như TP Thanh Hoá, huyện Mường Lát, Quan Hoá. Số nhiễm HIV tạp trung chủ yếu là ở dân tộc Kinh (chiếm 77%), tiếp đến là dân tộc Thái (chiếm 17%, do thuộc các địa bàn Quan Hoá, Bá Thước có đường biên giới chung với Lào). Nhận xét về tình hình dịch tại Thanh Hoá, TS Cẩn cho rằng: Trong 4 năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV tuy có xu hướng giảm rõ rệt trong nhóm ghiện chích ma tuý nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 60%. Tỷ lệ này chưa có xu hướng giảm nhất quán trong nhóm phụ nữ bán dâm. Số ca tử vong do nhiễm HIV từ năm 2009 đến nay giảm liên tiếp cho thấy công tác phát hiện, chuyển gửi và điều trị các bệnh nhân có HIV ngày càng đạt kết quả cao. Trong đó phải kể đến các chương trình truyền thông, can thiệp bơm kim tiêm, Methadone và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS... “Đây là một trong những tỉnh phòng chống HIV hiệu quả một cách toàn diện và bền vững” - ghi nhận của Phó cục trưởng Cục PC HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh.

Đến với hội nghị hôm nay, BS Phạm Thị Sử, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Quan Hoá cho biết: Huyện Quan Hoá là 1 trong 11 huyện vùng cao miền núi của tỉnh Thanh Hoá và là 1 trong 61 huyện nghèo nhất nước. Quan Hoá có 5 dân tộc anh em trong đó 64,5% là người Thái. Ca nhiễm HIV đầu tiên năm 2001 nhưng đến năm 2004, việc công tác phòng chống HIV/AIDS mới thực sự đi vào hoạt động. Việc này gặp nhiều khó kahwn di địa bàn quá rộng (có nơi phải đi 60km mới tới từ trung tâm huyện), dân cư ở rải rác... Ở đây, Methadone về đến tận xã như tại xã Thành Sơn, chỉ trong hai tháng mà đã có đến 200 người tham gia. “Mong họ đến với chúng tôi là tốt lắm rồi chứ chúng tôi chưa dám hy vọng gì đến xã hội hoá chương trình can thiệp này” - chị Sử tâm sự. Chỉ có 10 nghìn đồng/người/ngày, tức 300 nghìn đồng/tháng đóng góp để được dùng Methadone thôi nhưng đối với những người nghiện, đó là khoản đáng kể. Có không ít người nghiện ma tuý nói không với Methadone chỉ vì không thể chi được những đồng tiền bé nhỏ này. Đã vậy, chính sách đãi ngộ đối với những người trực tiếp làm việc can thiệp này không có gì hơn một cán bộ y tế thông thường. Vậy họ có tâm tư gì không? “Thương họ, chúng tôi chỉ biết nỗ lực giúp họ mà thôi...”. Nghe những thanh âm tự đáy lòng của họ như vậy, không một ai có thể cầm lòng. Việc can thiệp điều trị thuốc ARV đối với những người nhiễm HIV/AIDS ở đây cũng xuống tận đến từng thôn bản - Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS của TTYT huyện Quan Hoá cho hay.

Sự chân thành, nhiệt tình của các cán bộ này như làn gió mát xua tan đi những kỳ thị trong cộng đồng đối với người nghiện ma tuý, cũng từ đó, HIV dần lui...

Trần Ngọc Kha