Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Nhiều tiêu chí cần phải xem xét lại

Hà Ngân - Thu Trang 15/07/2015 07:00

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa khép lại. Phải khẳng định là có rất nhiều cải tiến trong thi cử nhưng vẫn còn những ý kiến băn khoăn, nhiều điều còn phải rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia giáo dục.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Nhiều tiêu chí cần phải xem xét lại

Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015

GS. Phạm Minh Hạc: Đã đến lúc phải thay đổi hẳn cách thi cử

Theo GS Phạm Minh Hạc, kỳ thi vừa qua được dư luận xã hội rất hoan nghênh ở một số điểm. Đó là Bộ GD&ĐT đã tích cực thực hiện đổi mới cách thi cho thực chất, khách quan, đỡ phiền phức cho xã hội, phụ huynh và học sinh. Đề thi cũng được học sinh phản ánh phù hợp với trình độ. Phần thứ nhất phù hợp để xét tốt nghiệp THPT, phần 2 phân hóa được học sinh để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, GS Phạm Minh Hạc cũng có những lưu ý: “Bộ có chủ trương thực hiện kỳ thi 2 trong 1 nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng trên thực tế lại không thực hiện được như chúng ta muốn. Cụ thể có 27% thí sinh thi ở địa phương chỉ để tốt nghiệp phổ thông, còn lại tham gia vào kỳ thi quốc gia. Ngoài ra, cũng có trường tổ chức thêm một kỳ kiểm tra năng lực như ĐHQG Hà Nội. Do đó, cần phải xem xét lại một cách tổng thể mặt được và mặt không được”.

GS Hạc nói thêm: Luật giáo dục Đại học đã khẳng định phải tăng cường sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH. Các trường ĐH, CĐ sẽ tự tổ chức xét tuyển theo yêu cầu của họ, các em học sinh có nguyện vọng thi vào trường nào sẽ tự mình tìm hiểu, giải quyết. Việc thi là việc của các trường, nên chấm dứt thời kỳ Bộ GD&ĐT làm thay việc của các trường.

Đã đến lúc phải thay đổi hẳn cách thi cử cho phù hợp với thực tế trên tinh thần các trường dạy các em thì các trường tự chịu trách nhiệm với xã hội, với học sinh.

Theo GS. Hạc: Cụ thể, nên nghiên cứu kĩ kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tốt, kỳ thi của học sinh phổ thông tại các trường tổ chức, đề thi do Bộ GD&ĐT đề ra, đề thi chung toàn quốc. Như vậy gọi là đề thi chung quốc gia nhưng cách tổ chức thi là do từng trường một tự tổ chức. Sau đó, kết qủa để công bố và lấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông ở từng trường, từng Sở GD&ĐT của các tỉnh thành.

PGS. TS Văn Như Cương: Kỳ thi năm nay căng thẳng từ đầu đến cuối

PGS. TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh chia sẻ: Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi chúng ta đã làm được “một đoạn” là cho học sinh làm bài và chấm bài. Còn đoạn hết sức quan trọng phía sau mới quyết đinh cuộc thi này có đổi mới, có đúng hay không? Đó là xét được vấn đề em nào đậu tốt nghiệp, em nào được vào ĐH, không được vào ĐH? Kết quả này chúng ta phải chờ thời gian sắp tới mới có thể đoán định được kì thi đã tiến bộ hơn trước hay chỉ là như cũ mà thôi.

“Sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ GD&ĐT đã họp và cho biết kì thi này đã thắng lợi, an toàn, đầy đủ, công bằng... Tôi nghĩ kết luận điều này là hơi vội. Bởi phải biết kết quả các em thi mới là quan trọng nhất. Khi nói nhập 2 kỳ thi vào làm 1 thì tiết kiệm được kinh phí cho Nhà nước, nhân dân là không có tầm nhìn xa. Chúng ta phải nhìn thấy cuộc thi này là đảm bảo cho một giai đoạn đào tạo ở bậc ĐH kéo dài đến 4 hoặc 5 năm. Vậy khi nói tiết kiệm thì phải nói cả giai đoạn này. Bởi khi gộp 2 kỳ thi vào làm 1 tiết kiệm được một chút nhưng khi đào tạo vào trường ĐH lấy không đúng thì lại lãng phí rất nhiều. Khi tuyển không đúng người nên học không được, hoặc học ra không có việc làm thì sẽ lãng phí hơn rất nhiều…”, PGS Văn Như Cương nêu quan điểm.

Nói về mục tiêu của Bộ GD&ĐT đặt ra là làm giảm nhẹ kinh phí và gánh nặng cho học sinh không phải đi thi nhiều lần nên căng thẳng được giảm nhẹ, ông Cương lắc đầu: Tôi thấy cả kỳ thi năm nay học sinh căng thẳng từ đầu đến cuối. Không phải chi trong mấy ngày thi mà là từ đầu năm học khi Bộ đưa ra quyết định nhập 2 kỳ thi thành 1.

Học sinh đã trải qua biết bao nhiêu là căng thẳng khi thì chờ đợi, khi thì chỉ thị này khi thì chỉ thị khác, lúc thì đề thi mở, thêm đề tự luận... Tất cả phụ huynh, học sinh, giáo viên đều căng thẳng chạy theo những thay đổi đó. Còn năm ngoái, học sinh chỉ căng thẳng khi thi thôi. Mà tôi nghĩ, căng thẳng nhất có lẽ là Bộ GD&ĐT. Bộ đưa ra một chủ trương và rất sợ bị thất bại nên đã có những thay đổi thường xuyên.

Từ quan điểm đó, PGS Cương nhận định: 2 tiêu chí mà Bộ đặt ra ở kỳ thi là giảm nhẹ kinh phí và gánh nặng cho học sinh cần phải xem xét lại. Khó khăn của kỳ thi này là thực hiện 2 mục tiêu khác nhau lại đưa vào làm 1.

Do đó, việc chọn lựa đề thi cũng đã khó khăn. Chẳng hạn đề thi Toán năm nay quá dễ cho phần 60% cơ bản, đến mức nhiều giáo viên cho rằng đề thi kiểm tra 15 phút lớp 12 cũng không đến nỗi như thế. Sẽ rất khó khăn cho tuyển sinh ĐH… Còn để xét tốt nghiệp thì tôi nghĩ xấp xỉ 100%.

Bởi chỉ cần 3 điểm của đề thi nhân đôi là 6 điểm, thậm chí 2,5 điểm. Vì nếu điểm trong học bạ 7 cộng với 3 điểm này là đủ xét tốt ngiệp. Như vậy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ rất cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ đỗ tốt nghiệp cao cũng tốt, học sinh học 12 năm thì nên cho các em tốt nghiệp. Quan trọng là khâu tuyển chọn vào ĐH có đúng người hay không.

PGS Cương nói: Đổi mới là cần thiết nhưng phải nghiên cứu cho kĩ để tổng kết, nhìn thẳng vào sự thật, kể cả chuyện thí sinh có gian lận. Chấm thi có công bằng giữa nhóm này nhóm kia hay không? Tất cả phải nhìn vào sự thật để đánh giá cho đúng, để sang năm phải thay đổi. Đồng thời, phải nghiên cứu các mô hình thi cử như mô hình của ĐHQG HN. Họ chỉ thi 1 buổi là xong, không ồn ào, căng thẳng, học sinh nào nộp đơn thì thi.

Mô hình này đánh giá được khả năng tư duy, nhận thức của học sinh mà không phải học thuộc lòng. Mô hình này có thể có điều chỉnh nhưng đấy là mô hình tốt. Khi tổng kết lại kỳ thi này, thấy rằng nếu mô hình tốt chúng ta phải xem xét để quyết định cách thi của năm sau thế nào cho hợp lý. Hơn nữa, kỳ thi cần có sự ổn định chứ không thể cứ thay đổi mãi như vậy.

Tuy giáo dục là phải đổi mới, không đổi mới là chết. Nhưng khi đã đổi mới là phải ổn định chứ không phải luôn luôn đổi mới. Vì giáo dục không ổn định mà chạy như… đèn cù thì không ai theo nổi. Khi đổi mới và làm tốt thì nên ổn định, ít nhất phương thức thi như vậy phải ổn định trong bao lâu để giáo viên và học sinh ổn định dạy và học. Còn năm nào cũng đuổi theo chỉ thị của Bộ thì không ổn chút nào.

Hà Ngân - Thu Trang