NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh Việt tự đánh mất thương hiệu

Lê Nhi (thực hiện) 15/07/2015 10:00

Cho rằng "Hội Điện ảnh không quan tâm tới bản sắc phim Việt", đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chua chát: Chúng ta tự đánh mất thương hiệu mà chúng ta đã dày công gây dựng. Đổ lỗi cho kinh tế thị trường thì không đúng đâu.

Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của Đặng Nhật Minh.

Đại hội Điện ảnh Việt Nam kỳ thứ VIII (2015 - 2020) vừa khép lại với danh sách BCH gồm 12 người, trong đó có 10 người cũ và thêm 2 nhân sự mới thuộc lĩnh vực phim tài liệu. Vậy người làm nghề và công chúng có thể kỳ vọng gì về vai trò của Hội trong việc tạo ra diện mạo riêng cho điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. PV Báo Đại đoàn kết đã có cuộc trao đổi bên lề Đại hội với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

PV: Thưa ông, xem ra Đại hội lần thứ VIII lần này vẫn chỉ nặng việc bầu bán thôi, phần tham luận không đề cập đến vấn đề gì bức xúc của ngành. Nghe nói ông cũng không được mời đọc tham luận?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Kỳ này, những người được mời lên tham luận gồm: Một ông Cục trưởng về hưu cách đây 10 năm mà lại là một nhà kỹ thuật, hai nhà lý luận và một nhà báo tên Cát Vũ ở TP HCM, một đạo diễn hoạt hình và một biên kịch hoạt hình, hết. Tôi không được mời.

Không có một đạo diễn hay nghệ sĩ nào được mời lên để nói những vấn đề bức xúc cả. Nhưng tôi nghĩ thế là cái may, tôi sẽ nói với báo chí về suy nghĩ của tôi…

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Nếu được nói ông sẽ đề xuất điều gì?

- Tôi không muốn bàn chuyện hiếu hỷ, với nhiệm kỳ nào cũng từng đấy việc như một vòng quay. Nhưng có một việc rất quan trọng mà tôi thấy 3 nhiệm kỳ vừa rồi Hội chưa làm được, đó là phải tham mưu cho Nhà nước để làm sao tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho ngành.

Làm sao để Nhà nước điều hành được lĩnh vực này để điện ảnh Việt Nam phát triển và đồng thời đạt hiệu quả. Tôi thấy bấy lâu nay những người đại diện cho Hội Điện ảnh VN gặp các vị lãnh đạo nhà nước chỉ để… xin tiền.

Theo ông, Hội Điện ảnh VN có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng và tạo diện mạo riêng cho điện ảnh Việt Nam?

- Tôi nghĩ Hội không quan tâm tới bản sắc phim Việt đâu. Còn nói về diện mạo điện ảnh nước nhà được nhận diện ở quốc tế ra sao, thú thực có một thời gian, nhất là thời bao cấp, điện ảnh nước ta được chú ý, thậm chí họ cho rằng đó là một phát hiện. Nó có màu sắc riêng, không lẫn. Những bộ phim như “Chị Tư Hậu”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” được nước ngoài đánh giá là rất Việt Nam.

Cho nên họ rất kính trọng. Đặc biệt nước Nhật có liên hoan phim Fukuoka uy tín, họ chuyên chọn những phim hay của Việt Nam để giới thiệu mỗi dịp liên hoan, nhưng 5 năm gần đây họ đã không chọn được một bộ phim nào của ta. Như vậy, chúng ta tự đánh mất thương hiệu mà chúng ta đã dày công gây dựng. Đổ lỗi cho kinh tế thị trường thì không đúng đâu.

Ông nhìn nhận ra sao trước nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của dòng phim độc lập thời gian qua đã gây tiếng vang lớn, trong khi phần lớn phim Nhà nước đầu tư tiền tỷ nhưng làm xong để xếp kho?

- Bấy lâu nay, những phim do Nhà nước cấp kinh phí, không phải phim nào được bao cấp cũng dở cả, ta phải xác định vậy. Tôi có thể tự hào nói rằng, tôi nhận tiền Nhà nước làm phim và phim nào tôi làm cũng gây được dấu ấn. Mà cũng nên lưu ý đó là phim Nhà nước cấp kinh phí, nên đừng nói cứ phim Nhà nước nói chung là hỏng, là vứt đi và xếp kho. Quan trọng là trách nhiệm cá nhân của người nhận số kinh phí đó làm ra sản phẩm như thế nào.

Hiện nay, có hiện tượng các nghệ sĩ trẻ làm phim độc lập, họ tự vận động, tự đến các quỹ phi lợi nhuận của các Liên hoan phim để họ xin kinh phí. Tôi xin nói, trước hết là phải khen họ, vì việc đi xin kinh phí rất vất vả, chứ không phải đơn giản. Họ làm theo say mê, đam mê của họ, họ không bị gò ép bởi phục vụ những ngày lễ lớn. Thế cho nên có những bộ phim cũng gây được tiếng vang. Tôi hy vọng họ sẽ làm nên chuyện.

Còn với 3/4 phim hiện nay là của tư nhân, mà của tư nhân thì tôi rất thông cảm với họ, họ phải bỏ tiền túi ra làm phim, họ không bao giờ mạo hiểm động tới các vấn đề phê phán tiêu cực, phê phán xã hội làm gì. Mục đích của họ và cái giỏi của họ là biết được đối tượng nào cần nhắm vào, cho nên họ thu hoạch được rất lớn. Nên đừng lầm tưởng đó là ghê gớm quá. Bởi có một điều những bộ phim đó không hề mang lại chút vinh quang nào cho nền điện ảnh nước nhà.

Ông kỳ vọng gì vào vai trò của Hội Điện ảnh VN trong nhiệm kỳ mới?

- Tôi xin nói BCH mới có 12 người thì có 10 người cũ, họ đã ngồi 5 năm nay rồi, làm được đã làm rồi, chả phải chờ được bầu lại mới làm. Chả có ai lại nói phải bầu tôi đến nhiệm kỳ hai tôi mới làm. Có 2 người mới là một bà Giám đốc Hãng phim Tài liệu Trung ương và một anh là cựu Giám đốc Hãng phim tài liệu. Vậy thì tôi chỉ có hy vọng BCH mới chắc sẽ quan tâm hơn đến phim tài liệu mà thôi…

Trân trọng cảm ơn ông!

Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội Điên ảnh VN đã công bố danh sách 12 người trúng BCH Hội Điện ảnh VN khóa VIII (2015 - 2020). Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải tiếp tục giữ chức Chủ tịch, 4 phó Chủ tịch gồm: Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (thường trực), đạo diễn Dương Cẩm Thúy, đạo diễn NSƯT Trịnh Lê Văn, đạo diễn NSƯT Lê Hồng Chương. Trưởng Ban kiểm tra: Đạo diễn NSND Phạm Minh Trí.

Lê Nhi (thực hiện)