Khó thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt tại Singapore?
Sau khi bắt được Giang Kim Đạt, ngày 14/7 Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã có thông báo kết quả điều tra ban đầu về hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ tham nhũng tại Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinlines).
Chân dung bị can Giang Kim Đạt.
Giang Kim Đạt (sinh năm 1977 tại Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TP HCM) - Nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin và Hồ Ngọc Tùng - Nguyên Tổng giám đốc tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) bị Bộ Công an cùng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ra lệnh truy nã quốc tế ngày 18/6/2011. Đó là hai đối tượng truy nã trong vụ án tham nhũng lớn tại Vinashin.
Ngày 7/7/2015, Giang Kim Đạt bị bắt sau 1.825 ngày đêm lẩn trốn. Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi trong hai năm giữ chức vụ Quyền Trưởng phòng Kinh doanh (tháng 5/2006 đến tháng 6/-2008), tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Chỉ trong hai năm, Giang Kim Đạt đã tham nhũng số tài sản đặc biệt lớn lên tới 18,6 triệu USD.
Cụ thể: Giang Kim Đạt cấu kết với đối tác nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị. Tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Đó là khi Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, các điều khoản trong hợp đồng để mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Trong thương vụ này, Đạt hưởng lợi bất chính 1 triệu USD.
Khi được giao cho khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
Để thực hiện êm thấm khoản tiền tham nhũng lớn, Đạt không nhận trực tiếp mà bàn bạc với ông Giang Văn Hiển là bố ruột lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank... để nhận tiền từ các đối tác chuyển về. Sau đó, số tiền được ông Hiển rút ra. Ngoài chi tiêu cá nhân, số tiền lớn được ông Hiển và người thân mua nhiều bất động sản trong nước (trên 30 bất động sản trên toàn quốc là biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai tại các vị trí “đất vàng”) và một số xe ô tô.
Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la Singapore. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán.
Từ quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt ông Giang Văn Hiển (65 tuổi, trú Q.2, TP HCM) ngày 15/1/2015, để điều tra về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và che giấu tội phạm; đồng thời tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên số bất động sản mang tên người thân của Đạt.
Với việc tiếp nhận tiêu thụ số tài sản tham nhũng có “giá trị đặc biệt lớn” này, thì ông Giang Văn Hiển có thể sẽ phải đối diện với hành vi vi phạm theo Khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự. Mức án dành cho hành vi này là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Như vậy, số tài sản tham nhũng bị thu hồi của Giang Kim Đạt là rất lớn. Nhưng sẽ thu hồi sao đây về tài sản của Đạt ở nước ngoài , như căn biệt thự 3,6 triệu đô la Singapore mua được từ tài sản tham nhũng của Đạt tại Singapore?.
Hiện tại, cả Việt Nam và Singapore đều đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (Công ước UNCAC). Để thực hiện được việc thu hồi tài sản tham nhũng tại nước ngoài này, cần sự tương trợ tư pháp của Singapore theo Điều 58 Công ước UNCAC.