Chưa hạn chế được tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, cùng với đó, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, song tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Tranh minh họa.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị giao ban về công tác thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng văn bản quy định chi tiết 6 tháng đầu năm 2015.
Nhiều văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục
Theo kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm, các Bộ phải trình Chính phủ 15 dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên có 3 dự án được lùi thời hạn trình Chính phủ; 2 dự án mới được bổ sung vào Chương trình năm 2015, nên tổng số các dự án trình trong 6 tháng đầu năm 2015 là 20 dự án.
Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong tổng số 20 dự án, các Bộ đã hoàn thành 5 dự án được Chính phủ cho ý kiến thông qua (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Luật phí, lệ phí; Luật Khí tượng thủy văn...); 12 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề tháng 7; 1 dự án (Luật Báo chí sửa đổi) xin lùi thời hạn trình Chính phủ sang phiên họp tháng 8; 1 dự án (Luật Biểu tình) được lùi sang Chương trình năm 2016.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Nghị quyết số 70/2014 của QH về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH Khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ cần chỉnh lý để trình QH cho ý kiến 18 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình, tổng số các dự án cần trình là 19 dự án.
Đánh giá về công tác xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm 2015 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, tuy nhiệm vụ khá nặng nề nhưng các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã nỗ lực, cố gắng nhờ đó cơ bản các các dự án luật, pháp lệnh đều được trình Quốc hội đúng thời hạn (Trừ dự án Luật biểu tình) và bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó số lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tương đối lớn( 10 dự Luật được thông qua và 10 dự án cho ý kiến). Tuy nhiên số lượng các dự án xin lùi thời hạn trình Chính phủ vẫn còn tương đối nhiều (11 dự án).
Đáng chú ý vẫn còn dự án xin rút khỏi chương trình, xin lùi thời hạn trình Quốc hội như Luật biểu tình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Dân số. Đặc biệt số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng là rất lớn, với 109 văn bản, tăng 59 văn bản so với tháng 6/2014.
Nguyên nhân, theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, do các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải xây dựng ban hành lượng dự án, dự thảo văn bản rất lớn (với 178 văn bản). Bên cạnh đó nhiều dự án, dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau như Luật Biểu tình, Luật Dân số, Luật về hội hoặc liên quan đến nội dung đàm phán các Hiệp định, điều ước quốc tế, một số văn bản ở vào tình trạng “nợ đọng” kéo dài chưa được khắc phục.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng pháp luật. Công tác phối hợp giữa các cơ quan Bộ, ngang Bộ trong quá trình xây dựng pháp luật chưa chặt chẽ.
Nhiệm vụ còn hết sức nặng nề
Đại diện nhiều Bộ, ngành cũng thừa nhận, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, có nhiều luật chậm không phải do ban soạn thảo mà do Chính phủ, vì luật đã được ban soạn thảo trình Chính phủ cho ý kiến, do đó nhiều Bộ xin không đưa vào danh sách nợ đọng. Bên cạnh đó tính định hướng hướng cũng như quan điểm chỉ đạo khi làm luật vẫn còn có những quan điểm khác nhau, nên khi làm rất lúng túng.
Nhiều Bộ, ngành đề xuất khi xây dựng kế hoạch của năm để đảm bảo tính khả thi của văn bản cần rút ngắn quá trình lấy ý kiến. Trong đó cần đổi mới quy trình lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Hạn chế tình trạng các thành viên Chính phủ lại lấy ý kiến của các bộ, ngành trong quá trình góp ý. Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng cần làm rõ số lượng văn bản do Chính phủ nợ đọng chứ không phải chỉ có văn bản do các Bộ, ngành nợ đọng.