Bài 3: TS Tô Duy Hợp: Đừng định lượng văn hóa

Hương Lê (thực hiện) Bài sau: Sẽ thí điểm Trung tâm hoạt động cộng đồng 16/07/2015 09:10

Không nên hiểu đời sống văn hóa nói chung và đời sống văn hóa ở khu dân cư một cách cứng nhắc kiểu đã có bao nhiêu gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, có bao nhiêu nhà văn hóa thôn, xóm được dựng lên… TS Tô Duy Hợp, chuyên gia về xã hội học nông thôn, nguyên Trưởng phòng Xã hội học nông thôn (Viện Khoa học xã hội- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ. Theo ông, phạm trù văn hóa rất rộng lớn, phải hiểu là 19 tiêu chí trong xây dựng NTM hiện nay đều bao hàm khái niệm văn hóa, liên q

Bài 3: TS Tô Duy Hợp: Đừng định lượng văn hóa

Không gian văn hóa truyền thống ở làng quê Bắc Bộ

Thưa ông, hiện có ít nhất là 3 hoạt động tác động tới diện mạo đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trong đó bao gồm: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (do Bộ VHTT&DL chủ trì); Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (do UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì), và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ông đánh giá thế nào?

Bài 3: TS Tô Duy Hợp: Đừng định lượng văn hóa - 1

TS Tô Duy Hợp: Chỉ trừ chương trình quốc gia xây dựng NTM, còn lại một phong trào, một cuộc vận động thực ra áp dụng với cả nông thôn và đô thị. Riêng với nông thôn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có 2 nội dung khá chi tiết. Thứ nhất là Gia đình văn hóa. Thứ 2 là Làng văn hóa. Gia đình văn hóa thì cả đô thị cũng có, nhưng Làng văn hóa thì chỉ có nông thôn mới có. Đó đúng là đặc thù của nông thôn. Phong trào này có trước chương trình quốc gia xây dựng NTM, khi thực sự là 2011 mới bắt đầu (nay đã được 4 năm rồi).

Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM thì 2 tiêu chí liên quan cụ thể tới văn hóa. Tiêu chí số 6 nói về những kết cấu, thiết chế, cơ sở vật chất cho văn hóa nông thôn (nhà văn hóa thôn, xã, khu thể thao đạt chuẩn qui định của Bộ VHTT&DL)- đó là những cái hiện đại. Còn những cái truyền thống là phải tôn tạo lại, trùng tu, nâng cấp đình chùa miếu mạo (liên quan đến tâm thức và tâm linh của làng).

Thứ hai là tiêu chí thứ 16- tiêu chí về xây dựng lối sống, gia đình văn hóa, làng văn hóa. Dẫu vậy, qua thời gian thực hiện ở các khu dân cư, nhiều nơi người dân cho rằng việc qui định tiêu chí công nhận làng văn hóa, khu phố văn hóa là rất cứng nhắc.

Như vậy, chỉ riêng bộ tiêu chí của Bộ VHTT&DL – nếu đem áp vào công cuộc xây dựng NTM cũng còn nhiều bất cập?

- Đi thực tế nhiều, người dân phản ánh với chúng tôi rằng tiêu chí của Bộ VHTT&DL… chưa hợp lý. Làng văn hóa có bề dày lịch sử lại không được công nhận là làng văn hóa, mặc dù văn hóa làng có hàng ngàn năm. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc về lý thuyết về mô hình phát triển văn hóa nông thôn. Văn hóa nông thôn là thế nào? Còn đây là một vài tiêu chí của Bộ VHTT&DL đặt ra chứ không phải tiêu chí văn hóa làng truyền thống…

Phân tích như vậy để thấy rằng việc xây dựng bộ tiêu chí xây dựng NTM, cũng như áp các tiêu chí văn hóa lên đời sống nông thôn hiện nay là rất “cứng”. Nó bất hợp lý ở chỗ những tiêu chí ấy được hiểu rất giản đơn để phổ biến cho cả nước, trong khi nông thôn chúng ta rất là đa dạng. Từ Bắc, Trung, Nam rồi miền biển, đồng bằng, miền núi; người Kinh, dân tộc thiểu số mỗi vùng miền đều có bản sắc văn hóa khác nhau.

Vậy mà chúng ta không tính đến sự đa dạng của văn hóa. Tôi cho rằng tất cả những qui định được lượng hóa ra như vậy, chỉ để cho nhà quản lý dễ bề báo cáo thành tích thôi. Như vậy đây là một biểu hiện của chủ nghĩa thành tích văn hóa chứ không phải là một chương trình văn hóa phát triển thực sự.

Văn hóa thực chất là phạm trù rất rộng. Như đã nói là phong trào, cuộc vận động này tích hợp vào nhau. Rồi sau khi có chương trình quốc gia xây dựng NTM, thì chỉ tiêu nói trên, đã được đưa hết vào. Nhưng để có một cái nhìn văn hóa theo nghĩa rộng, thì tất cả các tiêu chí khác đều phải có hàm ý văn hóa hết.

Bởi nếu mình quan niệm văn hóa là những gì tinh hoa nhất, do con người làm ra và con người lưu giữ, truyền đạt thì: kinh tế cũng là văn hóa; chính trị cũng là văn hóa…

Tiếc rằng vẫn tồn tại tư duy hẹp nên cứ nghĩ là chỉ có 2 tiêu chí văn hóa trên tổng số 19 tiêu chí NTM. Phải hiểu chính xác là: Có những tiêu chí văn hóa hiện ngôn, như tiêu chí 6, 16; còn những tiêu chí khác là hàm ý văn hóa.

Thưa ông, hiện tại ở cơ sở đang tồn tại 2 thiết chế văn hóa song hành: Không gian văn hóa cổ- đình, đền chùa miếu mạo; và Nhà văn hóa thôn, xã, khu dân cư và Điểm bưu điện văn hóa xã… Như vậy, liệu có phải là sự lãng phí hay không?

- Tôi có một quan sát khác, đó là quá trình hiện đại hóa của nhiều nước, họ xây dựng cái mới bên cạnh cái cũ. Như vậy cái mới là cái đắp đổi, bổ sung vào chứ không xóa cái cũ… Đó cũng là một bài học cần được áp dụng ở Việt Nam. Nên theo tôi, hiện nay nếu có lãng phí thì là lãng phí công năng sử dụng của cả 2 thiết chế văn hóa - đó là lãng phí lớn nhất.

Rõ ràng từ những chương trình nói trên, nông thôn được đầu tư thêm nhiều thiết chế văn hóa, nhưng chúng ta không biết dùng. Thêm vào đó là lãng phí tiền đầu tư- nhưng theo tôi chưa hẳn là vấn đề lớn bằng sự lãng phí như vừa nói trên. Việc Bộ VHTT&DL đề xuất xây dựng nhà văn hóa thì không có gì đáng phản đối. Nhưng như đã phân tích rồi, đó là chủ nghĩa thành tích ở nông thôn.

Xây xong báo cáo là xây xong. Còn thế nào là văn hóa thì không có chương trình, mục tiêu cụ thể. Văn hóa phải hoạt động (chứ không chỉ là chỗ hội họp). Còn sinh hoạt văn hóa hiện nay thì chỉ có kết cấu hạ tầng (vỏ), còn nội dung (ruột) có đâu nào.

Vấn đề đặt ra ở đây hài hòa như thế nào giữa 2 thiết chế truyền thống và hiện đại? Hãy để cái mới cạnh cái cũ để cho người dân lựa chọn. Họ sẽ tự lựa chọn mô hình sinh hoạt văn hóa cho phù hợp. Và như thế là việc chấp nhận sự tồn tại 2 thiết chế cũ và mới là có sự hợp lý của nó. Hiện tại nhiều làng quê, người ta đang quay lại những giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng truyền thống được hiện đại hóa để thắng cái hiện đại hóa không bản sắc như hiện nay. Chẳng hạn như việc thắp hương điện, đốt nến điện ở đình chùa miếu mạo, đọc và học kinh qua băng nhạc… Và càng ở những nước phát triển, nhất là ở châu Á, người ta giờ đây lại càng chú trọng văn hóa truyền thống.

Như vậy theo quan điểm của ông là hãy để cho người dân được chủ động, tự lựa chọn mô hình trong việc xây dựng văn hóa cộng đồng?

- Thực ra là cả Nhà nước và nhân dân cùng làm là hợp lý nhất. Chúng ta cần chấp nhận sự đa dạng đúng mức; Dân chủ nhưng phải có kỷ cương. Tuy nhiên thực tế cho thấy chúng ta vẫn đang lúng túng khi triển khai.

Riêng về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dâncư hiện nay, nhiều ý kiến đang đề xuất rằng để tránh sự chồng chéo trong thực hiện, nên thay đổi cả nội dung và hình thức của hoạt động này cho sát hơn với yêu cầu thực tiễn. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng nếu có thì ở khu vực đô thị nên quan tâm hơn, còn ở nông thôn thì đã lồng ghép hết vào với chương trình xây dựng NTM rồi. Trên thực tế, cuộc vận động sẽ không còn là phong trào độc lập nữa, mà nó đã được lồng ghép chung trong các chương trình nói trên. Như vậy nếu còn lại thì chỉ còn ở khu vực đô thị, mà vận động toàn quốc mà chỉ có ở đô thị thì hoàn toàn bất cập rồi.

Như vậy, rõ ràng phải đổi tên cuộc vận động- cho cả nước chứ không phải cho đô thị. Còn thay đổi nội dung và hình thức như thế nào, chắc phải có những nghiên cứu.

Xin cảm ơn ông!

Hương Lê (thực hiện) Bài sau: Sẽ thí điểm Trung tâm hoạt động cộng đồng