TTVN tìm suất dự Olympic 2016: Tăng cả lượng và chất
Mục tiêu lúc này của thể thao Việt Nam chính là việc chinh phục thêm nhiều chiếc vé dự Olympic 2016 và đồng thời phấn đấu có được huy chương ở sân chơi đẳng cấp thế giới vào năm sau.
Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng của TTVN có huy chương tại Olympic.
Cho đến thời điểm này, thể thao Việt Nam (TTVN) đã có chính thức 4 cái tên đủ tiêu chuẩn để tham dự Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil) gồm kình ngư bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên; 2 xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường và vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Huyền… Mục tiêu lúc này của TTVN chính là việc chinh phục thêm nhiều chiếc vé dự Olympic 2016 và đồng thời phấn đấu có được huy chương ở sân chơi đẳng cấp thế giới vào năm sau.
Phấn đấu giành nhiều suất tham dự
Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, ước tính có khoảng 20-23 vận động viên (VĐV) thuộc nhiều môn đang được đầu tư trọng điểm, hướng tới đoạt suất chính thức dự Olympic 2016. Trong số này, tuyển thủ thuộc nhóm 5 môn hàng đầu là bơi lội, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ (TDDC), bắn súng vẫn được ưu tiên trên hết.
Kết thúc SEA Games 2015 với thành công rực rỡ, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã khẳng định: “Việc các môn thể thao Olympic giành nhiều huy chương cho TTVN tại Singapore là một tín hiệu đáng mừng. Giờ là lúc tập trung hướng tới mục tiêu giành suất dự Olympic 2016. Chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu rất kỹ thành tích ở các môn thể thao Olympic để có kế hoạch đầu tư và phát triển hợp lý, hiệu quả nhất. Ngành TTVN sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV với sự quan tâm đặc biệt để cạnh tranh huy chương ở ASIAD hoặc Olympic”.
Hiện tại, điền kinh đã có 1 suất chính thức dự Olympic của Nguyễn Thị Huyền. Gương mặt trẻ Nguyễn Thị Huyền đã có màn trình diễn ấn tượng tại SEA Games 28 khi giành 2 HCV cá nhân nội dung 400m và 400m rào nữ và 1 HCV đồng đội nội dung tiếp sức 4x100m, phá 2 kỷ lục và đạt 2 chuẩn dự Olympic 2016.
Sau thành công tại SEA Games 28, VĐV trẻ người Nam Định tiếp tục gây ấn tượng rất lớn tại giải điền kinh Grand Prix châu Á 2015 vừa được tổ chức tại Thái Lan. Trong khoảng thời gian tới, Huyền sẽ được đi Nga tập luyện ngắn hạn.
Ngoài Huyền, đội tuyển điền kinh đang đặt mục tiêu giành 1 đến 2 suất dự Olympic 2016 nữa. Hiện tại đội vẫn còn rất nhiều gương mặt tiềm năng như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (400m nữ), Đỗ Thị Thảo (800m nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (20km đi bộ nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m và 10.000m nam), Nguyễn Văn Huệ (10 môn phối hợp), Quách Công Lịch…
Trong đó cái tên Quách Công Lịch đang nổi lên như một trong những ứng viên sáng giá. Sau khi không thi đấu thành công tại SEA Games 28, Quách Công Lịch cho thấy sự tiến bộ rất lớn tại giải điền kinh Grand Prix châu Á 2015 tổ chức tại Thái Lan. Ở giải đấu này, Quách Công Lịch đã gây sự chú ý rất lớn khi hoàn thành phần thi của mình với thời gian 45,99 giây để giành tấm HCV nội dung 400m nam. Với thành tích này, Quách Công Lịch đã phá kỷ lục cá nhân và thông số của Lịch đã tiến rất gần đến chuẩn tham dự Olympic 2016 tại cự ly 400m nam.
Theo HLV Trọng Hổ, đây là những thành tích rất xuất sắc, minh chứng cho lớp VĐV trẻ kế cận, sẽ gánh vác trọng trách trong tương lai của điền kinh nước nhà. Sắp tới, bên cạnh nguồn kinh phí của Tổng cục TDTT, các địa phương Thanh Hóa và Đà Nẵng cũng sẽ góp sức để đưa Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Thanh Phúc đi tập huấn và thi đấu một số giải quốc tế quan trọng, không ngoài mục tiêu vươn đến chuẩn dự Olympic 2016. Với những sự đầu tư này, đội tuyển Điền kinh Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành chỉ tiêu có 2 đến 3 đại diện tham dự Olympic Brazil 2016 trong mùa hè tới.
Trong khi đó, việc có 2 VĐV bắn súng đủ tiêu chuẩn dự Olympic nhưng HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung của đội bắn súng vẫn tin tưởng “Mục tiêu của đội trong thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện cho VĐV tham dự nhiều các đợt đấu vòng loại khác nhau. Càng giành được nhiều suất Olympic càng cho thấy nỗ lực của VĐV cũng như bắn súng Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.
Trong khi bắn súng đã yên tâm có đại diện thì TDDC hiện vẫn chưa có “vé” tới Brazil. Với TDDC, niềm tin được đặt vào Phan Thị Hà Thanh và Đinh Phương Thành, Phước Hưng. Một số môn còn lại như đấu kiếm, judo, cầu lông… chúng ta chỉ trông chờ vào việc VĐV tích điểm và đạt thứ hạng vừa đủ để nhận suất chính thức.
Nỗ lực để có huy chương
Trong lịch sử, TTVN mới chỉ có 2 tấm HCB Olympic 2000 (nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân) và Olympic 2008 (lực sĩ Hoàng Anh Tuấn) và thất bại tại Olympic 2012 khiến những nhà làm thể thao đang rất quyết tâm và nỗ lực để giúp TTVN có được huy chương tại Đại hội sang năm.
Bộ môn được kỳ vọng có khả năng giành huy chương nhất cho TTVN tại Olympic 2016 chính là môn Cử tạ. Dù đến lúc này chưa giành một chiếc vé nào tới Brazil nhưng những thành tích của cả 2 niềm hy vọng của Việt Nam là Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn tại hạng cân 56kg khi chia nhau 2 thứ hạng cao nhất tại Giải Cử tạ vô địch Đông Nam Á vừa diễn ra khiến hy vọng có huy chương từ cử tạ là lớn nhất.
Thạch Kim Tuấn vốn là Á quân thế giới ở hạng cân này, tuy nhiên, trong 1 ngày thi đấu xuất thần, Trần Lê Quốc Toàn đã đánh bại người đồng đội để giành tấm HCV trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đây là chiến thắng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với Quốc Toàn bởi trong những năm gần đây, anh chỉ được xem là VĐV dự bị cho Kim Tuấn ở hạng cân 56kg.
Nếu không có gì thay đổi, trước khi đi Mỹ dự giải vô địch thế giới 2015 vào tháng 11 (có ý nghĩa tranh vé dự Olympic), Tuấn và các đồng đội sẽ tới Hungary tập huấn. Mục tiêu của Cử tạ là giành 3-4 suất dự Thế vận hội. Với phong độ, thành tích của cả Toàn và Tuấn, 2 cái tên này mặc nhiên trở thành niềm hy vọng mở ra khả năng gần như duy nhất có huy chương, kể cả Vàng cho cả một nền thể thao ở Olympic 2016.
Ở môn bơi, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt chuẩn dự Olympic và được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn thành tích để có thể tiệm cận nhóm giành huy chương. Ngoài Ánh Viên, những tuyển thủ như Quang Nhật, Duy Khôi, Quý Phước mới chỉ đạt chuẩn B Olympic và chưa chắc chắn có mặt tại xứ sở Samba.