Dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy là đúng
Dư luận đang đồng tình với việc ngành giao thông sắp trình Chính phủ văn bản kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Bởi vì có lẽ, lâu lắm rồi mới có một “sắc thu thuế phí” được ban hành ra rồi rút lại. Dẫu rằng, ngoài chuyện đó là một quy định còn nhiều bất cập, bất khả thi thì cũng có nguyên nhân là nếu duy trì thu sẽ làm khó người dân và “lực bất tòng tâm” với cả những người thực thi công vụ!
Theo khảo sát ở các địa phương trong phạm vi cả nước, có khoảng 300.000km đường cần bảo trì.
Trên thực tế, qua 2 năm triển khai Nghị định số 18 về quỹ bảo trì đường bộ, đã bộc lộ không ít những nan giải đối với việc thu phí trên đầu phương tiện xe gắn máy. Chế tài chưa đủ mạnh và minh bạch đối với người không nộp phí. Ai tự giác nộp thì … thiệt, ai không nộp cũng … chẳng sao. Từng địa phương áp dụng thu phí theo các cấp khác nhau, hình thức và tiền phí cũng khác nhau.
Theo Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, mỗi năm số km đường quốc lộ cần phải bảo trì do xuống cấp khoảng gần 18.000km, tương ứng với số kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nếu không tính đến phí xe máy, mỗi năm với 3.000 tỷ đồng thu phí ô tô, 3.000 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước, thì nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng đường hiện nay chỉ là 6.000 tỷ/20.000 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu thực tế).
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, sự thiếu hụt nguồn kinh phí sửa đường quốc lộ khiến nhiều km đường hiện nay xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Quốc lộ là vậy, các đường tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã cũng đang cấp bách chờ … tiền.
Theo khảo sát ở các địa phương trong phạm vi cả nước, cũng có khoảng 300.000km đường cần bảo trì. Nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng dưới 30%. Chỉ từ những con số như vậy, nếu dừng thu phí xe máy bổ sung nguồn kinh phí cho quỹ để bảo trì đường bộ, thì địa phương sẽ khó khăn. Nhiều tuyến đường vì thế sẽ không được nâng cấp, cản trở sự phát triển kinh tế, đồng thời tiềm ẩn TNGT.
Từ nhu cầu thực tế đó, rõ ràng nguồn thu phí bảo trì đường bộ từ xe gắn máy (nếu thu được theo kiểu “tính cua trong lỗ”) cũng đáp ứng được khá nhiều kinh phí duy tu bảo dưỡng các loại đường hiện hữu. Tuy nhiên có một thực tế, việc thu phí đường bộ từ năm 2013 đến nay đối với xe máy lại không đạt hiệu quả.
Đơn cử như TP Hà Nội với hơn 5 triệu xe máy, sau từng ấy thời gian mới chỉ thu vỏn vẹn 91 tỷ đồng, đạt 12% so với kế hoạch. Nhiều địa phương thu còn thấp hơn. Đó chính là lý do, Quỹ Bảo trì đường bộ dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm với xe máy nhưng năm 2013 toàn quốc chỉ thu được 520 tỷ đồng, năm 2014, thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, đến tháng 6-2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến.
Khỏi bàn cãi nhiều, việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy trong thời gian qua bộc lộ quá nhiều bất cập. Và hình như, đây cũng là một loại thuế phí mà ngành chức năng thu theo kiểu “được chăng hay chớ” nhất. Ở nhiều địa phương, có nơi giao việc thu cho xã phường, có nơi giao việc thu cho thôn xóm. Nơi phiếu thu kiểu này, nơi phiếu thu kiểu khác, không đồng nhất. Người dân luôn có sự so sánh, người không nộp không có chế tài xử phạt, tất nhiên sẽ không ai dại gì mà tự giác nộp. Đó là chưa kể, ở mỗi địa phương, tùy vào tình hình đường xá, có quy định riêng về phí thu. Nơi phí cao, nơi phí thấp. Sự bất tương đồng còn nảy sinh, khi người dân đô thị sẽ không phải đóng phí vì địa phương cân đối được nguồn thu. Còn địa phương đang thụ hưởng ngân sách sẽ tiếp tục phải đóng phí. Điều đó đương nhiên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người đóng phí.
Trước nhiều bất cập nói trên, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ cho sửa Nghị định 18 để dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Hiện nay, nhiều địa phương đã có ý kiến về việc nên hay không nên tiếp tục thu phí. Hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị bỏ. Tương tự TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có chung kiến nghị. Đà Nẵng và Khánh Hòa đã tạm dừng thu phí bảo trì.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, cũng còn nhiều địa phương đề nghị yêu cầu tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Song, cần phải “tiếp sức” thêm chế tài để thực hiện việc thu phí.
“Nhưng còn đường xuống cấp cần sửa chữa. Bản thân người dân muốn đi trên những con đường chỉn chu. Trách nhiệm nộp phí hoàn toàn có thể chấp nhận. Nhưng thu như thế nào, nguồn tiền thu để sửa chữa cho đường ra sao… Cần nhất sự minh bạch” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Tất nhiên, tâm lý người dân là bớt đi khoản nộp nào sẽ đồng tình hưởng ứng, thậm chí tung hô ngay. Nhưng việc duy trì thu (nếu tiếp tục) đối với phí bảo trì đường bộ từ xe gắn máy, phải được triển khai theo cách khác, đồng bộ và minh bạch hơn. Còn nếu thu theo kiểu “xôi đỗ” và kêu gọi lòng tự giác là chính như hiện tại, thì nên tạm dừng để thay đổi phương thức. Quy rõ ràng trách nhiệm đối với từng đối tượng cụ thể cần thu phí. Ai không nộp có chế tài ra sao? Nguồn tiền thu được sẽ dùng để sửa chữa những con đường nào? Có như vậy, chính sách mới đi vào cuộc sống.