Luật đổi, tư duy chưa đổi
Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 đã có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, cán bộ nhà nước vẫn lúng túng khi mỗi người hiểu một hướng, mỗi địa phương làm một cách khác nhau. Kết quả, DN xếp hàng ở Sở Kế hoạch - Đầu tư để nhờ hướng dẫn và giải quyết.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng, từ ngày 1/7, Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 có hiệu lực sẽ tạo sự thông thoáng trong vấn đề thủ tục hành chính. Theo đó, Luật Đầu tư cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Luật bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Về Luật DN, luật này xác lập quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật cấm, ngoài ra DN có thể tự quyết định con dấu.
Xuất phát từ tính mở của 2 Luật sửa đổi, cộng đồng DN kỳ vọng rất nhiều vào cuộc cải cách này.
Đánh giá về 2 Luật mới sửa đổi áp dụng từ ngày 1/7, các cơ quan liên quan tấm tắc khen Luật mới ban hành đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013, giảm rủi ro, tăng tính chủ động cho DN. Thế nhưng, luật mới có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, cán bộ nhà nước vẫn lúng túng khi mỗi người hiểu một hướng, mỗi địa phương làm một cách khác nhau. Kết quả, DN xếp hàng ở Sở Kế hoạch - Đầu tư để nhờ hướng dẫn và giải quyết.
Điển hình nhất là sự phiền phức trong việc làm con dấu DN. Theo quy định trước, DN chỉ cần khắc con dấu rồi đem đến công an xác nhận, khâu cuối cùng là đăng ký mẫu ở Sở Kế hoạch - Đầu tư. Song với quy định mới, DN thắc mắc không biết làm con dấu theo mẫu nào, công an ngừng xác thì con dấu tự làm còn có tính pháp lý hay không? Con dấu cũ đã bỏ, con dấu mới chưa thể làm điều này vô hình trung gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.
Vẫn là chuyện con dấu nhưng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có phần nhiêu khê hơn. Luật quy định với DN FDI muốn có con dấu phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư riêng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh riêng. Vì vậy yêu cầu đặt ra, DN phải tách nội dung đăng ký kinh doanh thành hai phần, một cho việc thành lập DN, một cho dự án đầu tư nhưng thủ tục tách giấy thì chưa rõ.
Lý giải về sự chậm trễ dẫn đến những vướng mắc của các văn bản hướng dẫn, đại diện cơ quan hữu quan cho rằng, sẽ có hướng dẫn nhưng cơ bản chỉ làm rõ một vài chi tiết vì Luật rất chi tiết và cụ thể. Vậy là, Luật thoáng là chuyện của luật, chờ đợi và tiếp tục đối diện với khó khăn vướng mắc là chuyện của DN.