“Cáo mượn oai hùm”

Hà Linh 18/07/2015 10:00

Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp mang/ mượn danh báo chí để thực hiện những việc bất minh mang tính tư lợi cá nhân. Ở đây, có vẻ như có sự “thông đồng” của xã hội, người dân để tiếp tay cho những hành vi “hăm - hù dọa” của những người mang/ mượn danh cơ quan báo chí - phóng viên - nhà báo. Dẫu rằng, như người ta vẫn nói, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thẻ chuyên viên và thẻ nhân viên giả mạo của ông Lê Minh Tuấn.

Nhưng cũng cần đặt ngược câu hỏi, có ai mạo danh là công nhân, là giáo viên … hay là gì gì đó để trục lợi cho cá nhân? Sao trong thực tế xã hội, đã không ít lần người ta cứ phải mạo/mượn danh là phóng viên, là công an … để thực hiện những hành vi lừa đảo, lợi dụng … nói chung là thiếu minh bạch, là vi phạm luật pháp.

Nghề báo là gì? Đó là nghề đưa ra góc nhìn công bằng hơn, dù đó là sự tán đồng hay phê phán. Công việc làm báo là gì? Nhiều người hiểu đơn giản đó là việc cung cấp thông tin, tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ trong các vướng mắc của doanh nghiệp, xã hội.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã so sánh nghề báo là nghề “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”. Và trong bất cứ một xã hội nào ở ta hay ở Tây trước đây hay hiện nay, nghề báo vẫn đang được khẳng định là một nghề đứng hàng “quyền lực thứ 4”.

Và vì có “quyền lực” cho nên đã nảy sinh không ít trường hợp phức tạp, tréo ngoe và làm ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính. Mà xã hội ta đã từng không dưới một lần chứng kiến những chuyện đau lòng từ phía những người làm báo bất chân chính gây ra.

Báo Đại Đoàn Kết điện tử cũng đã từng chỉ ra trường hợp giả mạo phóng viên hăm dọa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, 1 nhóm đối tượng “dựng kịch bản gài độ” và bí mật mở máy ghi âm, ghi hình nhằm ghi lại những sơ hở trong giao tiếp, công việc của cán bộ kiểm lâm, tổng hợp lại để tạo bằng chứng đưa cán bộ “vào tròng”. Sau đó nhóm này cấu kết với một số người tự xưng phóng viên của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đến cơ quan để làm việc mà không gì khác ngoài mục đích làm tiền cán bộ Chi cục Kiểm lâm.

Bản thân các nhà báo chân chính rất hoan nghênh Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa phanh phui vụ mượn oai nhà báo và mượn danh phóng viên để moi phong bì, để trục lợi cá nhân nói trên.

Và xin nói thêm, vài ba hiện tượng kiểu “cáo mượn oai hùm” như chuyện xảy ra ở Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, rất tiếc không phải là cá biệt, và cũng không hề là hiếm gặp trong xã hội ta ngày nay.

Chẳng hạn trước đây vài tháng, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh … cũng đã có công văn gửi các cơ quan báo chí đề nghị chấn chỉnh lại tình trạng giả danh phóng viên đến xin xỏ, nhũng nhiễu làm phiền doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương.

Tình trạng lợi dụng danh nghĩa phóng viên và cơ quan báo chí để kiếm tiền phi pháp đang diễn ra tương đối phổ biến và có nhiều cấp độ khác nhau. Đơn giản nhất là bằng một tờ giấy giới thiệu đến doanh nghiệp để xin quảng cáo. Nếu doanh nghiệp không cho thì phóng viên rởm dọa tung hồ sơ tiêu cực phá doanh nghiệp. Điều này cũng khiến cho doanh nghiệp ngày càng ngại tiếp xúc với báo chí hơn.

Do vậy nghề báo, người làm báo biết được xã hội nhìn nhận với một thái độ rất đáng trân trọng. Nhưng cũng từ đây dẫn đến cảnh lợi dụng uy tín của người làm báo để làm những việc không chính đáng. Và thực tế đã gây ra không ít phiền toái, thậm chí cả những hệ lụy đau lòng. Một số cá nhân khi nắm được và khai thác được các sai phạm của doanh nghiệp, địa phương, đã chủ động viết bài, giới thiệu rồi chủ động gửi bài cho lãnh đạo đơn vị đọc trước khi gửi đăng. Trên thực tế không ít doanh nghiệp, địa phương đã trót chi phong bì để được thông cảm. Trên các trang mạng, diễn đàn xã hội nhiều nhà báo chân chính cũng phản ứng dữ dội với thực tế nhà báo rởm ngày càng nhiều, cảnh mượn danh nhà báo để kiếm tiền bát nháo cũng được thấy thường xuyên hơn.

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong phát triển kinh tế. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập kinh doanh, xã hội cũng đòi hỏi hơn từ báo chí. Đó không chỉ là cách thông tin khách quan, mà là loại bỏ dần đi những con sâu làm xấu mặt nhà báo.

Nhưng có lẽ cũng nhân qua bài viết này, để xin có đôi lời khuyến nghị đến các cấp cơ quan/ chính quyền/ doanh nghiệp rằng, nếu là phóng viên/nhà báo chân chính, hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc, minh bạch … thì họ sẽ không bao giờ mang nghề nghiệp/ công việc/ chức vụ (nếu có) … đi hăm/ hù dọa người khác. Vì một trong những nghề nghiệp có tính cách minh bạch và “sĩ diện” khá cao, đó là nghề báo. Và đã là người làm báo đúng nghĩa, sẽ không/ khó có chuyện mang danh nghề nghiệp của mình đi đánh đổi những chuyện “năm xu một hào” ở bên ngoài. Tức là chỉ có cáo mới mượn oai hùm chứ đã là hùm chắc chẳng phải mượn “oai” của con vật khác!

Giả mạo phóng viên tống tiền kiểm lâm

Ông Lê Quốc Việt - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua có một số đối tượng thường xuyên đến các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, đặt vấn đề mua và xin phép cho được vận chuyển gỗ, nhưng thực tế trong quá trình làm việc với cán bộ kiểm lâm, các đối tượng đã “dựng kịch bản gài độ” và bí mật mở máy ghi âm, ghi hình nhằm ghi lại những sơ hở trong giao tiếp, công việc của cán bộ kiểm lâm, tổng hợp lại để tạo bằng chứng đưa cán bộ “vào tròng” theo đúng âm mưu đặt ra từ trước.

Cụ thể, tại Đội kiểm lâm cơ động số 2, các đối tượng sau khi thực hiện xong các bước nêu trên, đã đến trực tiếp phòng làm việc với đồng chí Lê Thế Long- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, đưa ra một số clip mà các đối tượng quay lại rồi đặt vấn đề với nội dung: Thông báo về một số đồng chí cán bộ Kiểm lâm có biểu hiện tiêu cực, hối lộ… rồi đưa ra những đề nghị, điều kiện vô lý, mang tính chất tống tiền.

“Các đối tượng trên đã nhắn tin cho lãnh đạo cơ quan, yêu cầu phải chi 3 tỷ đồng mới bỏ qua việc này. Khi ấy, trước những dấu hiệu bất thường trên, lúc đầu cũng có một số quan điểm định tổ chức bắt các đối tượng lại, nhưng do chưa có sự thống nhất chung được giữa các lãnh đạo nên sau đó các đối tượng này biết được và dừng hành vi tống tiền”- ông Việt cho biết.

(Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn vụ việc trên báo Đại Đoàn Kết điện tử: www.daidoanket.vn)

Hà Linh