Đất công ích hay đất trồng cây lâu năm?
Nguyên đơn thì khiếu nại cho rằng diện tích đất bị thu hồi của mình là đất trồng cây lâu năm, còn Tòa thì phán đó là đất công ích. Sự khác biệt này khiến nguyên đơn thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nguyên đơn đang tiếp tục đề nghị Tòa tối cao xem xét thủ tục giám đốc thẩm…
Ảnh minh họa. (nguồn Internet).
Năm 1987, ông Lương Hữu Phước (trú tại 232, đường Ngô Quyền, TP Kon Tum) và một số hộ gia đình đã ký kết biên bản hợp đồng kinh tế thuê đất trồng cây cà phê với HTX Đoàn Kết, với thời hạn là 20 năm. Diện tích đất mà HTX này cho bà con thuê là 12 ha, trong đó hộ gia đình ông Phước thuê 2 ha, tức tới năm 2007 thì hết thời hạn cho thuê.
Năm 2008, UBND thị xã Kon Tum ra quyết định thu hồi 18,3 ha đất để làm dự án làng nghề, trong đó có toàn bộ số đất mà các hộ thuê trên đây do phường Lê Lợi quản lý. Toàn bộ bà con thuê đất, trong đó có ông Lương Hữu Phước không được đền bù về đất, tài sản trên đất, mà chỉ được hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng.
Lý do mà UBND TP Kon Tum (thành phố thành lập năm 2009) không bồi thường cho bà con thuê đất được lý giải như sau: Đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn, không được gia hạn thì hết thời hạn. Và như vậy thì không được đền bù. Ông Phước đã quyết định khởi kiện vụ việc ra Tòa. Cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm của thành phố và tỉnh Kon Tum đều bác đơn của ông Phước vì cho rằng đất ông Phước và một số bà con thuê là đất công ích. Mà đã là đất công ích thì hết hạn cho thuê sẽ không được đền bồi theo quy định tại Khoản 5, Điều 67 Luật đất đai.
Theo ông Phước, cũng như luật sư Vũ Văn Lợi - người bảo vệ quyền lợi cho ông Phước, thì nội dung của điều luật này chỉ áp dụng đối với đất công ích và đất trồng cây ngắn ngày. Còn đất của ông Phước thuê là đất trồng cây lâu năm thì phải áp dụng khoản 1 của điều luật này mới đúng. Điều khoản này quy định đất mà ông Phước thuê trước ngày 15/10/1993 thì phải được tính từ 15/10/1993. Theo đó, với thời hạn thuê 20 năm thì tới năm 2013 mới hết hạn thuê đất của ông Phước. Và năm 2008 thu hồi đất thì người thuê phải được đền bù theo quy định.
Tại hai phiên Tòa sơ, phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Phước đã phân tích sâu, kỹ lưỡng xung quanh nội dung tranh luận về loại đất gì. Cả 2 phiên Toà, Hội đồng xét xử đều cho rằng đất ông Phước thuê là đất công ích với chứng cứ, đó là tại sổ kiểm kê đất của phường Lê Lợi năm 2006 – 2007 có ghi toàn bộ đất nông nghiệp của phường là 130 ha, trong đó có 56 ha đất công ích. Và đây cũng là tài liệu duy nhất mà UBND phường Lê Lợi nộp cho 2 cấp Tòa làm tài liệu tranh tụng. Trong khi đó, phía nguyên đơn đã viện dẫn rất nhiều quy định khẳng định rằng không thể có số diện tích đất công ích nhiều như vậy được.
Tại điều 45 Luật Đất đai năm 1993 đã quy định: Mỗi địa phương được để lại không quá 5% nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu công ích của địa phương. Như vậy là nếu cả phường có 130 ha đất nông nghiệp mà để lại 56 ha đất công ích, bằng 40% thì không thể chấp nhận được. Theo hồ sơ địa chính, xã Đoàn Kết, nay là phường Lê Lợi vào thời điểm này UBND xã không có bất cứ thủ tục nào chuyển diện tích đất trồng cây lâu năm của ông Phước sang đất công ích 5%.
Mặt khác, UBND xã cũng không có thông báo nào hay thủ tục gì thể hiện là từ ngày 15/10/1993 các hộ dân chuyển sang thuê đất công ích. Đặc biệt là, ngày 28/6/1994, UBND xã Đoàn Kết còn giao cho ông Phước “giấy chứng nhận sử dụng ruộng đất” ghi rõ diện tích theo hợp đồng mà ông Phước thuê cũng như mục đích sử dụng vào việc trồng cây cà phê, mì… và không nêu rõ thời hạn sử dụng.
Theo luật sư Vũ Văn Lợi, ngày 1/7/2004, Luật Đất đai 2003 có hiệu lực. Tại điều 72 quy định: Mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng diện tích đất khác xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại đại phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất.
Việc HTX Đoàn Kết trước đây giao đất cho ông Phước theo giấy chứng nhận sử dụng ruộng đất ngày 28/6/1994 là phù hợp với khoản 1 điều 72 Luật Đất đai 2003. Việc thuê đất công ích được quy định tại Nghị định 181/NĐ-CP là không quá 5 năm. Chính là vì đất cho ông Phước thuê không phải đất công ích.