Vướng thủ tục, khó triển khai
Tháng 7/2014, Hậu Giang triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (gọi tắt là Đề án 1.000) giai đoạn 2014-2016 đây được xem là một trong những quyết tâm, nhiệm vụ quan trọng tỉnh trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên do vướng mắc thủ tục, đến nay đề án thực hiện rất chậm chạp.
Người dân vẫn gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Gần 1 năm nay, từ sau khi ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp nghe chính quyền địa phương triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng đất kém phát triển. Ông Đức đã mạnh dạn cải tạo hơn 1,3ha đất trồng mía kém chất lượng để chuyển sang cây trồng khác. Mới đây liên lạc lại với ông Đức, thấy buồn khi ông thông báo, phần lớn diện tích đất mà ông chuyển đổi đang trồng tạm chuối để có thu nhập vì để đất không uổng. Hỏi thăm, ông Đức nói: “Đề án chuyển đổi cây trồng cho vùng mía này là rất hợp lý, vì nhiều năm qua, phần lớn diện tích trồng mía của xã thu nhập bấp bênh. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây mừng khi nghe chính quyền hỗ trợ cho bà con chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ mía để cải tạo đất trước khi đăng ký tham gia vay vốn. Tuy nhiên gần cả năm nay chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Tôi thấy thủ tục vay khó khăn rườm rà quá. Lâu nay chúng tôi mua bán đâu có hóa đơn gì đâu mà giờ ngân hàng bắt làm cái gì cũng phải có hóa đơn mới đúng thủ tục…”
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, Đề án 1.000, gồm 4 hợp phần: hợp phần 1, chuyển đổi 1.000ha vườn tạp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; hợp phần 2, chuyển đổi 1.000ha mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; hợp phần 3, chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản; và hợp phần 4, chuyển đổi 1.000 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Qua 6 tháng đầu năm 2015, tổng số hộ đăng ký tham gia 4 hợp phần của Đề án toàn tỉnh trên 2.000 hộ, đạt gần 40% kế hoạch. Nhưng mới chỉ có trên 250 hộ được giải ngân, tổng nguồn vốn đầy 22 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 7% tổng kinh phí đề án là quá ít.
Nếu đúng kế hoạch đề ra, trong tháng 5/2015 huyện Châu Thành sẽ phải giải ngân cho cả trăm hộ đăng ký tham gia hợp phần cải tạo vườn tạp và chăn nuôi. Ấy vậy mà đến nay tiến độ giải ngân cho các hộ dân này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các hộ dân này đều kêu quá trình thẩm định của ngân hàng quá kỹ, khiến cho tiến độ giải ngân bị trì trệ. Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành nêu ví dụ: Ngân hàng quy định các hộ chuyển đổi từ cây trồng sang vật nuôi, hộ dân đó phải đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí mới cho vay là: chuồng, trại, hầm ủ Biogas hoặc đệm lót sinh học. Trong khi tập quán, thói quen của người dân ở vùng này may ra chỉ đáp ứng được tiêu chí chuồng trại…
Còn ở Châu Thành A, ngành nông nghiệp cảm thấy lo lắng khi mới đầu người dân đăng ký tham gia đề án 1.000 rất đông, hàng trăm hộ dân, nhưng khi tiến hành làm thủ tục có rất nhiều hộ dân đã bỏ không đăng ký tham gia nữa. Theo cán bộ nông nghiệp của huyện ngoài nguyên nhân thủ tục rườm rà của ngân hàng, còn có nguyên nhân do người dân tìm hiểu chưa kỹ Đề án, nhiều hộ dân lầm tưởng khi tham gia đề án sẽ được hỗ trợ lãi suất vay 100%, nhưng khi biết chỉ được hỗ trợ 50% nhiều người đã bỏ.
Một lý do quan trọng khiến cho tiến độ thực hiện của Đề án 1.000 chậm là các hộ dân khi tham gia vào Đề án này muốn vay được vốn của ngân hàng phải có tài sản để thế chấp. Tuy nhiên trên thực tế hầu hết tài sản duy nhất của họ là đất đai đều đã được cầm cố với ngân hàng hay các tổ chức cá nhân cho vay nặng lãi trước đó. Điều này ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cũng cho rằng nguyên nhân khiến cho Đề án chậm triển khai là do muốn có vốn để đầu tư sản xuất các hộ phải thế chấp sổ đỏ để vay.
Theo ông Đồng: Bên cạnh việc đề xuất giải pháp giúp cho người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay bằng cách thành lập tổ liên ngành, các thành viên của tổ phải đảm bảo các thành phần như đại diện cơ quan chức năng của xã, huyện, tỉnh và ngân hàng trực tiếp đến từng hộ dân để thẩm định hồ sơ, thủ tục một lần trước khi cho vay. Cũng theo ông Đồng: Phía ngân hàng cần phải linh hoạt vận dụng các quy định “mở” để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, nhất là những hộ đã từng vay trước đó. Vì đây là Đề án và là chủ trương của tỉnh.
Thấy được những bất cập, mới đây UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu các ngành nông nghiệp, ngân hàng và các đơn vị liên quan tập trung phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Ông Trương Cảnh Tuyên- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Nhấn mạnh các thủ tục, quy trình phải được đơn giản hóa, tránh rườm rà gây khó khăn cho người dân tiếp cận vốn vay. Đối với các hộ dân có nhu cầu tăng hạn, mức cho vay để đầu tư sản xuất và tái sản xuất, các ngành chức năng cần xem xét và giải quyết. Riêng các địa phương rà soát cụ thể lại nhu cầu tham gia các hợp phần của Đề án, đề xuất các phương án điều chỉnh sao cho hợp lý, đảm bảo nguồn vốn đến đúng tay người có nhu cầu được vay.