Báo chí củng cố niềm tin, sức mạnh cho dân tộc
Ngày 8-7, tại TP.HCM, Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo báo, đại diện của cơ quan hữu quan, các nhà báo, đã bày tỏ những kiến nghị, kinh nghiệm với việc làm báo phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.
Quang cảnh hội thảo
Ông Hoàng Xuân Định - Tổng biên tập Báo Dân tộc và Phát triển cho rằng, làm báo, viết báo cho đồng bào dân tộc có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, khi đồng bào nghe, đồng bào thấy, đồng bào tin thì sẽ có sức cuốn hút, thúc giục hành động, tạo nên sức mạnh trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị và trật tự trên địa bàn. Vì thế, chủ trương của báo này là viết báo sao cho đồng bào hiểu, dễ đọc, dễ thấy, dễ làm theo, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, củng cố tăng cường an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, theo ông Định, do địa hình hiểm trở, và những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, số lượng báo chí đến với đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nơi khác. Theo chia sẻ của ông Hoàng Xuân Định, nội dung tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc phải đảm bảo 4 yếu tố: một là nội dung tuyên truyền phải đúng, trúng và hay; hai là phong phú về hình thức thể hiện, đa dạng về thể loại, gắn với hình ảnh trực quan sinh động; ba là có phương thức phối hợp tuyên truyền giữa các tòa soạn, đặc biệt là báo tỉnh… sao cho hiệu quả; bốn là tuyên truyền tăng cường tình hữu nghị nơi biên giới và biển, hải đảo.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Vụ trưởng Vụ địa phương 2 (thuộc Ủy ban Dân tộc) cho đúc rút, để công tác làm báo, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc có hiệu quả thì phải gần gũi với đồng bào hơn nữa, phải sống cùng họ, hiểu tâm tư phong tục, thậm chí biết tiếng nói của họ, thì đồng bào mới tin tưởng và thổ lộ nguyện vọng. Từ đó mới có những tác phẩm truyền thông phản ánh được sự thật, tâm tư… của đồng bào.
Tại hội thảo, ông Lã Chí Dũng - Phó trưởng Văn phòng đại diện Ủy ban Dân tộc tại TP.HCM, cũng thông báo những kết quả khả quan của các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc ở khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, con em dân tộc được hỗ trợ học bổng, được học nghề miễn phí; nhiều địa phương có mạng lưới y tế tốt đạt chuẩn quốc gia và làm tốt công tác phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ hội thảo này, một lần nữa cho thấy báo chí có vai trò lớn đối với cộng đồng, đất nước, giúp củng cố, tăng cường niềm tin và sức mạnh cho toàn dân tộc. Nhân dịp này, Báo Dân tộc và Phát triển ra mắt Văn phòng thường trú phía Nam tại 39 Phan Văn Hớn, quận 12, TP.HCM, do ông Nguyễn Văn Cương làm Trưởng Văn phòng.