Huyện Bù Đăng- Bình Phước: Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số
Bù Đăng (Bình Phước) là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giúp đồng bào ổn định, từng bước nâng cao điều kiện sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã và đang được các cấp ủy Đảng ở địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020), ông Trần Văn Chung, Bí thư Huyện ủy có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh nội dung này.
Quốc lộ 14, qua địa bàn huyện Bù Đăng vừa được
nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng
PV: Thưa ông, nói đến huyện Bù Đăng nhiều người nhớ đến bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, ca ngợi tấm lòng của đồng bào DTTS nơi đây với cách mạng, nhất là thành tích giã gạo nuôi quân trong những năm chống Mỹ. Ông có thể giới thiệu rõ hơn về mảnh đất, con người nơi đây?
Ông Trần Văn Chung: Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, huyện Bù Đăng ở vị trí tiếp nối giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Đặc điểm của huyện là có đến 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 53 nghìn người (chiếm 37,07% dân số toàn huyện), trong đó dân tộc tại chỗ là người X’tiêng, M’nông bên cạnh đó là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa... Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tuy phong tục, tập quán khác nhau nhưng đồng bào luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng bộ đội địa phương và những cánh quân giải phóng qua đây đều được đồng bào che chở, cung cấp lương thực... Nhiều con em đồng bào còn trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương, tiêu biểu là đồng chí Điểu Ong - người con dân tộc X’tiêng đã sớm giác ngộ cách mạng, xung phong vào bộ đội, lập nhiều chiến công diệt Mỹ khi chúng càn quét quê hương Bù Đăng và đã anh dũng hy sinh, được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…
So với mặt bằng chung, đời sống của đồng bào các DTTS sinh sống ở khu vực miền núi thường khó khăn hơn, ở huyện Bù Đăng chắc cũng không ngoại lệ. Những năm qua, đảng bộ, chính quyền địa phương đã có những hoạt động gì giúp đồng bào ổn định, phát triển đời sống, thưa ông?
- Đúng vậy, so với ngày đầu giải phóng, ngày nay đời sống của đồng bào các DTTS ở huyện Bù Đăng đã được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì vẫn còn hạn chế về nhiều mặt. Chính vì vậy, ổn định, từng bước phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào luôn được các cấp ủy Đảng trong huyện quan tâm, chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ...
Chúng ta đều biết, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách dành cho đồng bào DTTS, nhất là ở miền núi. Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Đăng luôn quán triệt, vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành triển khai phù hợp, hiệu quả.
Cụ thể, trong 5 năm qua, huyện đã tập trung triển khai nhiều chính sách lớn của Chính phủ, như “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn”, “Chính sách định canh, định cư”, “Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số”... trước đó là Chương trình 135. Những năm gần đây, huyện tiếp tục triển khai trương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tổng kinh phí huyện đã huy động triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên trong 5 năm qua là hơn 57 tỷ đồng, tập trung cho việc nâng cấp, xây mới hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh; hỗ trợ đồng bào đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vốn vay phát triển sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
Có thể khẳng định, các chương trình, dự án trên đã và đang làm thay đổi, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội huyện Bù Đăng nói chung, vùng đồng bào DTTS của huyện nói riêng.
Thưa ông, từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương, ông thấy còn có những hạn chế, bất cập gì cần khắc phục?
- Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung việc triển khai các chương trình, dự án vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập. Trong đó, kết quả giảm nghèo cho hộ đồng bào DTTS chưa bền vững, số hộ nghèo là DTTS chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo ở huyện. Chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo ở khu vực này còn hạn chế. Ở một số địa phương trong huyện còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng...
Nguyên nhân do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền còn hạn chế, thiếu quyết liệt; có nhiều đầu mối nhưng thiếu tập trung. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả còn nặng về hình thức. Việc đầu tư mới chỉ tập trung cho hạ tầng; nhiệm vụ phát triển sản xuất, quy hoạch, sắp xếp dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ, kinh nghiệm sản xuất của bà con DTTS nhìn chung còn thấp; tính năng động, sáng tạo còn hạn chế, bên cạnh đó vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện có chủ trương, kế hoạch gì, thưa ông?
- Đảng bộ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đồng bào DTTS. Thực hiện đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý theo hướng cụ thể, thiết thực, quyết liệt hơn. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện, hướng tới mục tiêu cao nhất là ổn định, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào. Chú trọng xây dựng các đoàn thể chính trị trong vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS từ đó quy hoạch, sử dụng cán bộ là người DTTS trong các cơ quan Nhà nước.
Nhân đây, tôi đề nghị chính quyền cần thực hiện dứt điểm từng chương trình, dự án đối với DTTS; tránh đưa ra nhiều chương trình, dự án khi chưa có đủ nguồn lực, thực hiện dàn trải...
Trân trọng cảm ơn ông!
Các chương trình, dự án đã và đang làm thay đổi, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội huyện Bù Đăng nói chung, vùng đồng bào DTTS của huyện nói riêng. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS là 12,4% thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 8,21%. 100% xã, thị trấn, 90% thôn, tổ dân phố trong huyện đều có điện lưới quốc gia. Đến nay, Bù Đăng đã xóa được xã trắng về ngành học mầm non, hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, đang phấn đấu hoàn thành phổ cập PTTH. Hàng trăm con em đồng bào các DTTS được theo học ĐH, CĐ cử tuyển. Các xã trong huyện đều có trạm y tế, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản được trải đều... |