Đìu hiu nhà truyền thống làng nghề
Nhà truyền thống Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nằm ngay bên QL1A, khu đắc địa nhất vùng. Làng nghề đã tồn tại hơn 400 năm, nhưng tới nay Nhà truyền thống nghề của làng cửa đóng then cài, mai một…
Nhà truyền thống Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm,
xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cửa đóng then cài.
Làng nghề đúc đồng, từ lâu đã được nhiều người biết đến và truyền tụng trong dân gian qua câu ca: “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”. Nghề đúc đồng ở đây trải qua nhiều cơn sóng gió nhưng vẫn đủ nuôi sống người dân, trong đó có không ít người làm giàu.
Sau này, để mở rộng làng nghề và có nơi cố định trưng bày sản phẩm, lưu giữ ký ức của nghề đúc đồng phục vụ tham quan, du lịch- năm 2003 Nhà truyền thống Làng nghề đúc đồng Phước Kiều được xây dựng mới trên nền đất của Trụ sở HTX nhôm đồng (cũ), đầu tư với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Thời điểm đó, ai cũng phấn khởi, hồ hởi nghĩ về một tương lai phát triển của làng nghề. Bên cạnh xây dựng Nhà truyền thống, UBND huyện Điện Bàn khi ấy đã đầu tư xây dựng lại Nhà thờ Tổ của làng và 2.000m đường bêtông dẫn vào làng.
Thế nhưng, Nhà truyền thống khánh thành và đưa vào hoạt động chẳng được bao lâu, thì cửa đóng then cài. Tại sao như vậy? Chúng tôi đem câu hỏi này đến gặp, trao đổi với ông Dương Ngọc Sang (80 tuổi) là nghệ nhân kỳ cựu của làng đúc đồng Phước Kiều, ông cho biết: Nhà truyền thống Làng nghề rộng hơn 1.000m2, xây dựng khá bề thế, khang trang lại nằm cạnh QL1A trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, mở ra Làng nghề đúc đồng một triển vọng đầy hứa hẹn. Nhưng rồi làm ăn khó khăn, cũng chẳng trách ai được, thời cuộc đã là vậy. Nhớ khi hồi còn HTX nhôm đồng Phước Kiều, cũng đóng tại đây thì khách hàng vào ra nhộn nhịp, tấp nập, ăn nên làm ra và tập hợp hơn 50 công nhân của trên 20 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh.
Năm 2011, ông Dương Ngọc Tiển xin được đưa sản phẩm vào trưng bày tại Nhà truyền thống nhưng sau một thời gian, sản phẩm phủ đầy bụi, không bán được, lỗ vốn ông xin rút lui. Nói chúng là người dân chẳng còn tha thiết với nơi này. “Đây cũng được xem là nguyên nhân chính, sau những năm dài đưa vào hoạt động nhưng Nhà truyền thống không phát huy hiệu quả, mà phải ở trong tình trạng đìu hiu, hoang vắng”- theo ông Sang.
Ông còn cho biết, trên tuyến QL1A, đoạn từ phường Vĩnh Điện đến thị trấn Nam Phước, có nhiều cửa hàng đồ đồng Phước Kiều bày bán nhưng không ai biết chắc trong đó có bao nhiêu sản phẩm sản xuất tại Phước Kiều, đa số sản phẩm trưng bày ở các cửa hàng mang thương hiệu Phước Kiều nhưng được nhập về từ các nơi khác về.
Những người còn làm nghề như ông Sang chỉ còn cách làm theo đơn đặt hàng, không làm thoải mái như trước đây, vì muốn trưng bày sản phẩm Phước Kiều cho ra dáng, thì phải tốn đến bạc tỷ…Mong sao Nhà nước sớm khôi phục lại Làng nghề đúc đồng, vốn tồn tại hàng mấy thế kỷ, không những khôi phục kinh tế mà Làng nghề còn phục vụ tham quan, du lịch theo lộ trình trên con đường Di sản Hội An - Mỹ Sơn. Khi đó Nhà truyền thống Làng nghề đúc đồng Phước Kiều đóng vai trò quan trọng là điểm dừng chân, giới thiệu sản phẩm Làng nghề.
Trao đổi với chúng tôi về Nhà truyền thống Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, anh Dương Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương chia sẻ: Vừa qua chính quyền, ngành chủ quản liên quan thị xã Điện Bàn và xã Điện Phương, cùng họp bàn khôi phục lại Nhà truyền thống và định ra cơ chế cho Nhà truyền thống, là phối kết hợp với các doanh nghiệp, nghệ nhân, các làng nghề...để trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm như đúc đồng, mỹ nghệ gỗ, đồ gốm...chứ không để đìu hiu, vắng vẻ, lãng phí như vậy. Theo anh Ca, đã có văn bản khôi phục lại Nhà truyền thống, chỉ chờ thực hiện nữa mà thôi.
Nỗi niềm của những người thợ đúc đồng ở làng nghề này cũng như đề nghị của họ rất cần được chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam quan tâm. Tuy rằng vẫn biết đó là việc khó khăn, và trước hết phải là nội lực vươn lên của chính làng nghề.