Truyền thông Đức làm phim về nỗi đau da cam
Trong những ngày giữa tháng 7, trên chuyến tàu từ ga Đông Hà (Quảng Trị) đến Đà Nẵng chúng tôi gặp một đoàn khách đặc biệt. Nhân vật chính là một chú bé tuổi 15 nhưng có hình thể của cậu bé 3 tuổi, được người cha bế ngồi đợi tàu, vây quanh họ để tác nghiệp là những phóng viên đến từ hãng ARD - kênh truyền hình của Đức.
Phóng viên Philipp Abresch (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng gia đình anh Linh
Trò chuyện nhanh với ông Philipp Abresch, phóng viên hãng ARD - kênh truyền hình của Đức, được biết đoàn sẽ lên tàu SE1 vào Đà Nẵng, nơi anh Đỗ Trần Nhật Linh- bố của cháu bé ( trú tại xã Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị) đi lính nghĩa vụ 3 năm và bị nhiễm chất độc da cam.
Theo ông Philipp, đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam. Lần đầu Philipp đi xuyên Việt một mình bằng xe gắn máy để tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam để làm đề tài cho kênh truyền hình ARD.
“Tôi đặc biệt quan tâm đến hậu quả mà người dân các bạn phải gánh chịu sau chiến tranh, nhất là các nạn nhân da cam. Cũng chuyến đi ấy tôi gặp anh Linh qua sự giới thiệu của bạn bè, khi thấy 2 con của anh (cháu Thành 15 tuổi cao khoảng 60cm còn em của Thành thì bị liệt hoàn toàn) tôi thật sự đau lòng. Trở về Đức, tôi đã quyên tiền tài trợ và trở lại tìm anh” phóng viên Philipp chia sẻ.
Trong sự xúc động nghẹn ngào, anh Đỗ Trần Nhật Linh cho biết, Đoàn làm phim của hãng ARD đã hỗ trợ gia đình anh một số tiền để mua bò, sổ tiết kiệm nhằm giúp gia đình trang trải thuốc men cho các cháu.
Đoàn làm phim thực hiện những cảnh quay tại sân ga Đông Hà- Quảng Trị
“ Gia đình chúng tôi bất ngờ khi nhận được sự quan tâm và chia sẻ từ những người bạn Đức. Đây là món quà xuất phát từ tấm lòng của những người bạn Đức và sẽ là nguồn cổ vũ động viên lớn lao, giúp chúng tôi vượt qua những ngày khốn khó” anh Linh chia sẻ.
Được biết, Cục hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đồng ý để Đoàn làm phim thực hiện toàn bộ cuộc hành trình đặc biệt này từ ngày 16-7. Khi đoàn làm phim trở lại nhà anh Linh, ngoài việc quay cuộc sống thường ngày để phản ánh chân thực đời sống của một gia đình nạn nhân da cam lên sóng truyền hình Đức, Đoàn còn đưa anh Linh và một số đồng đội cũ quay lại thăm đơn vị cũ. Sau khi đến Đà Nẵng lấy những thước phim tư liệu về đơn vị cũ của anh Linh, đoàn sẽ bay vào TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu về quá trình điều trị cho các nạn nhân da cam tại bệnh viện Từ Dũ.
Felix, phóng viên quay phim trẻ tuổi của đoàn làm phim tin tưởng rằng, khi chương trình của họ được phát trên truyền hình Đức sẽ có thêm nhiều nhà tài trợ và những tấm lòng nhân ái hỗ trợ cho gia đình anh Linh giúp anh thoát khỏi cảnh nghèo khó như hiện nay.
Cách đây hơn 50 năm, trong chiến tranh, quân đội Mỹ rải những lít chất độc đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hoá học tàn bạo kéo dài 10 năm trong cuộc xâm lược Việt Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó những nỗi đau.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Sau trận mưa ‘da cam’, khu rừng bị nhiễm độc biến thành ‘vùng đất chết’. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất dioxin. Ba triệu người đã chịu tác động trực tiếp của chất độc này và hơn một triệu người là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm, gây nên biết bao thảm cảnh. Cho đến nay, chất độc da cam vẫn gây ra những hệ lụy khôn lường đến thế hệ thứ 4 của người Việt Nam. Vì thế, cuộc chiến với nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc hành trình đòi lại công lý.
Chia tay đoàn làm phim, Trưởng đoàn Philipp Abresch khẳng định với phóng viên Đại Đoàn Kết: “Sau khi kết thúc chuyến đi này, chúng tôi sẽ sớm quay trở lại Việt Nam để tiếp tục giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh”.
Mong rằng, trong “cuộc chiến với nỗi đau da cam”, Việt Nam luôn có những người bạn đồng hành thiện chí như ông Philipp Abresch.